Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 3/1/2017 21:24'(GMT+7)

Kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng phục hồi trước "cơn gió ngược" toàn cầu

Người dân Bình Dương đi mua sắm cho dịp cuối năm. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Người dân Bình Dương đi mua sắm cho dịp cuối năm. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Trong bài viết đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2016 được đăng trên "Diễn đàn Đông Á" số ra mới đây, tác giả Suiwah Dean-Leung, Giáo sư danh dự về kinh tế tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi trước những "cơn gió ngược" toàn cầu. 


Theo Giáo sư Dean-Leung, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2016 là vào khoảng 6% - cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác của ASEAN như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự bùng nổ nhu cầu trong nước và hiệu suất tăng mạnh trong sản xuất xuất khẩu. 


Doanh số bán lẻ của Việt Nam trong năm 2016 tăng 9,5% cho thấy mức độ lòng tin của người tiêu dùng tăng cao và được hỗ trợ bởi tăng lương khu vực công cũng như tăng thu nhập nói chung. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng 2,3 điểm từ 51,7 điểm trong tháng 10/2016 lên 54 điểm trong tháng 11/2016 (cứ trên 50 điểm là do mở rộng sản xuất đầu ra). 


Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát cơ bản là thấp và lạm phát toàn phần ở mức 4,9% trên cơ sở so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu là do sự gia tăng giá cả trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Tiền đồng của Việt Nam vẫn khá ổn định so với đồng USD trong những năm qua và dự trữ ngoại hối tăng đều đặn. 


Tuy nhiên, Giáo sư Dean-Leung cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu khí, nhu cầu bên ngoài yếu và sản lượng nông nghiệp sụt giảm do hạn hán gây ra đã ngăn cản mục tiêu tăng trưởng kinh tế ban đầu của chính phủ Việt Nam là từ 6,5% đến 6,8% trong năm 2016. 

Theo Giáo sư Dean-Leung, khó có thể dự báo về triển vọng kinh tế của Việt Nam khi bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng thách thức cam kết của Hà Nội đối với các cải cách cơ cấu cần thiết trong thời gian trung hạn. Tuy nhiên, Giáo sư Dean-Leung cho rằng Việt Nam cần phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô khi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như bất ổn gia tăng trong đầu tư và thương mại quốc tế, đặc biệt là nguy cơ "chết yểu" của các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

TTXVN 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất