Cục Chăn nuôi vừa có công điện yêu cầu các tỉnh miền bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động triển khai phòng, chống rét đến tận thôn, bản cho gia súc, gia cầm. Các địa phương phải nắm rõ đàn gia súc, gia cầm, củng cố chuồng trại, bảo đảm vệ sinh và chống rét, chủ động thu gom, dự trữ, chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho trâu, bò.
Tỉnh Tây Ninh có 20 xã thuộc năm huyện có lợn mắc bệnh tai xanh là Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Châu Thành và Gò Dầu; có 2.171 con lợn bị bệnh tại gần 200 hộ chăn nuôi, đã có 460 con chết hoặc bị tiêu hủy vì bệnh tai xanh. Trước tình hình dịch bệnh tai xanh diễn biến phức tạp, ngày 7-10, tỉnh Tây Ninh công bố dịch lợn tai xanh tại hai huyện Tân Biên và Tân Châu. Tỉnh đã phân bổ 13.250 liều vắc-xin cho hai huyện tiêm phòng. Huyện Châu Thành đã qua 24 ngày không phát sinh đàn lợn bị bệnh tai xanh.
Tiền Giang có 1.000 con lợn của 61 hộ dân ở huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây bị bệnh tai xanh; trong đó 340 con lợn đã chết và tiêu hủy. Ngành thú y tỉnh đã cấp hơn 3.400 lít thuốc sát trùng để các hộ dân tiêu độc chuồng trại, mua 30 nghìn liều vắc-xin hỗ trợ hộ nuôi tiêm phòng.
Hiện nay, sâu róm đã gây hại khoảng 2.000 ha thông tại huyện Ðình Lập và huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Sâu róm hại thông đang ở tuổi ba và bốn, đây là độ tuổi cây thông bị phá hại mạnh nhất. Tỉnh đang tích cực chỉ đạo chủ động phòng trừ. Tỉnh Bến Tre có 2.129 ha nhãn bị bệnh chổi rồng, chiếm hơn 30% diện tích trồng nhãn của tỉnh, trong đó số nhãn bị bệnh của huyện Chợ Lách chiếm tới 60%. Ngành nông nghiệp tỉnh mở 20 lớp tập huấn "Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn" tại các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Bình Ðại. Tại một số vùng, vườn nhãn sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ, 90% diện tích nhãn đã phục hồi sinh trưởng.
Theo Nhân dân