Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 4/7/2019 17:10'(GMT+7)

Lạng Sơn: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Đoàn công tác làm việc với TTYT huyện Lộc Bình

Đoàn công tác làm việc với TTYT huyện Lộc Bình

Đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam).

Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn và lãnh đạo các ban, ngành chức năng và đại diện cơ sở KCB của tỉnh Lạng Sơn.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nông Thanh Hải- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn đã báo cáo với đoàn về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.

Đoàn công tác làm việc tại TYT xã Yên Khoái
Đoàn công tác làm việc tại TYT xã Yên Khoái

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị; chỉ đạo các cấp chính quyền và các ngành chức năng hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách BHYT đến toàn thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, HĐND tỉnh đã đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào trong Nghị quyết và xác định là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong các năm 2018-2019. Từ năm 2010-2018, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành được 5 kế hoạch, 18 văn bản để triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vướng mắc trong thực hiện chính sách…

Kết quả, đã tổ chức được gần 8.000 buổi tập huấn, hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp tại cơ sở, với sự tham gia của trên 627.000 lượt đối tượng là NLĐ, chủ sử dụng lao động, nhân viên Bưu điện, các hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ cấp xã, thôn và đại diện các hộ gia đình. Việc tổ chức thực hiện chính sách đã có sự thống nhất, đồng bộ; tỉ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng cao. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã đạt tỉ lệ 94,23% số người dân tham gia BHYT, vượt trên 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT tiếp tục được quan tâm và bảo đảm; chi phí KCB BHYT ngày càng tăng (năm 2018 có chi phí KCB BHYT tăng gấp 6,7 lần so với năm 2009); chất lượng KCB, DVYT được nâng cao; mức độ hài lòng của nhân dân về chất lượng KCB ngày càng tăng. Do thực hiện tốt công tác quản lý, nên đã giảm bội chi quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh. Công tác giám định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT được thực hiện thường xuyên; trong 10 năm qua đã từ chối thanh toán 51.318 triệu đồng.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Tổ chức bộ máy, vai trò, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH trong việc quản lý và triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT, chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở, quản lý và sử dụng quỹ BHYT; công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT…
 
Đáng chú ý, hiện nay, toàn tỉnh còn gần 6% người dân chưa có thẻ BHYT- đây là những đối tượng khó tuyên truyền, vận động; mức thu nhập của đa số người dân, nhận thức về chính sách BHYT của một số người dân còn hạn chế; trình độ nhân lực y tế không đồng đều, nhất là tuyến xã ở một số nơi còn hạn chế về chuyên môn, trang thiết bị y tế còn thiếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nên ảnh hưởng đến chất lượng KCB BHYT. Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện chính sách BHYT chưa đồng bộ và thống nhất, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; công tác quản lý quỹ gặp nhiều khó khăn do mức đóng BHYT thấp, trong khi mức hưởng cao, gây khó khăn trong việc cân đối quỹ của địa phương.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, trong thời gian tới, HĐND, UBND và các sở, ngành trong tỉnh cần tiếp tục tổ chức đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo đúng tinh thần Chỉ thị 38-CT/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW, Luật BHXH và Luật BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT; qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thay mặt đoàn công tác, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn.

Đồng chí Phạm Lương Sơn đề nghị, trong thời gian tới, HĐND, UNBD và các ban, ngành của tỉnh cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra để thực hiện hiệu quả Chỉ thị trên; đồng thời cho biết, Đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của tỉnh và các cơ sở KCB trên địa bàn để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Ban Bí thư.

“Việc phát triển BHYT bền vững tại mỗi địa phương sẽ là nền tảng quan trọng giúp người dân thoát khỏi bẫy nghèo y tế”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định./.

Tuấn Phạm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất