Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 29/6/2019 9:37'(GMT+7)

Sóc Trăng: Chuyển biến tích cực từ Nghị quyết 33

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ VĂN HÓA

Các cấp, các ngành và nhân dân được tuyên truyền, học tập, tìm hiểu về văn hóa và vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội theo tinh thần Nghị quyết; từng bước nâng cao nhận thúc, thống nhất với quan điểm của Đảng  “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Mặt khác, mọi người ai cũng hiểu rằng: Chính văn hóa đã làm nên sức mạnh của dân tộc, nếu đánh mất văn hóa thì dân tộc cũng mất; bản sắc văn hóa dân tộc chính là phần hồn; giữ vững non sông bờ cõi phải gắn liền với giữ gìn hồn thiêng sông núi. 

Từ nhận thức tích cực đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người ngày càng tốt hơn; hướng vào xây dựng con người phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Trong triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; đồng thời gắn kết Nghị quyết 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương với các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn học, nghệ thuật…; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết định kỳ, đặc biệt là chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc sơ kết, đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết ở cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố.

XÂY DỰNG CON NGƯỜI PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung chăm lo việc xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng tri thức, hiểu biết về lịch sử, văn hóa trong các tầng lớp nhân dân địa phương được coi trọng. Một trong những kết quả đáng kể là xây dựng nguồn lực con người, nòng cốt là đội ngũ tri thức không ngừng tăng lên, tỉnh hiện có 25 tiến sỹ, 739 thạc sỹ, trong đó có 3 tiến sỹ, 56 thạc sỹ là người Khmer; 39 công chức, viên chức đang học tiến sỹ và 132 đang học thạc sỹ. Đây là lực lượng nòng cốt, có trình độ chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, là những người đi đầu trong đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đội ngũ trí thức Sóc Trăng đã khẳng định vai trò của mình trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, trước hết trên mặt trận văn hóa, có nhiều đóng góp vào nghiên cứu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương (chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, khôi phục, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa). Nhiều trí thức, văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm văn học có giá trị, nghiên cứu thực tế, sáng tác về thiên nhiên, con người, vùng quê Sóc Trăng… Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức là lực lượng tiên phong trong các phong trào, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn minh đô thị; tuyên truyền, giáo dục về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; trực tiếp đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh.

BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐỊA PHƯƠNG

Sóc Trăng là nơi sinh sống và hội tụ văn hóa truyền thống của 03 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội dân gian, nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc, phong tục tập quán tốt đẹp… đã làm nên nét đặc trưng, đậm đà bản sắc các dân tộc ở địa phương. Thời gian qua việc giữ gìn, tôn tạo, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật được triển khai, thực hiện.

Tỉnh tập trung đầu tư kinh phí tu bổ nhiều công trình di tích bị xuống cấp; điều tra, xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông, nghệ thuật sân khấu Rô Băm vừa được cấp bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); xây dựng các dự án, đề tài để nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một như: Kiến trúc đình chùa của người Kinh ở Sóc Trăng; tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Sóc Trăng; tìm hiểu Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng, phong tục - lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng…

Hoạt động lễ hội dân gian và biểu diễn nghệ thuật các dân tộc thiểu số là nét nổi bật và có nhiều ấn tượng đối với người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối với du khách. Đây là những sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, ngày càng thấm sâu vào đời sống tinh thần và là niềm tự hào của người dân Sóc Trăng. Điển hình là các lễ hội như: Lễ Đấu đèn (người Hoa), Lễ cúng Phước Biển, Lễ Óoc Om Boc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl - Chnăm - Thmây, Lễ Sene Đôlta (người Khmer), Lễ hội cúng đình, Lễ hội Nghinh Ông, Ngày hội Sông nước miệt vườn… Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, các đoàn nghệ thuật tư nhân (tuồng cổ, sân khấu Dù kê, Nghệ thuật Rô băm) thường xuyên xây dựng các chương trình, tiết mục ca múa nhạc, chỉnh sửa, nâng cấp và sáng tác mới các vở diễn biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của quần chúng, nhất là dịp tết, lễ hội, sự kiện chính trị - văn hóa của đất nước, của địa phương. Riêng năm 2018, có 545 buổi biểu diễn, thu hút trên 330 ngàn lượt người xem.

Lĩnh vực văn học, nghệ thuật và báo chí có nhiều tiến bộ mới. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí. Trong đó, Cuộc thi chủ đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức định kỳ hằng năm… Báo Sóc Trăng và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có nhiều tìm tòi, đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin báo chí; đáng chú ý là triển khai, thực hiện 02 Đề án: Nâng cao chất lượng nội dung Báo Sóc Trăng và hiệu quả hoạt động cơ quan Báo Sóc Trăng; Nâng cao chất lượng chương trình phát sóng tiếng Khmer (STV2). Số lượng phát hành Báo Khmer ngữ được duy trì; nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc được Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Đài PT - TH đầu tư, dàn dựng, biểu diễn như: Hội thi Đờn ca tài tử Nam bộ, Liên hoan nhạc cụ Ngũ âm và Múa dân gian Khme, Liên hoan Dân ca Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2018, Liên hoan ca, múa, nhạc Khmer Nam Bộ lần thứ nhất năm 2019… đây là một trong những hình thức đem lại hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân nhằm tuyên truyền và nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh.

TIẾP TỤC CHÚ TRỌNG VĂN HÓA LÀ NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA XÃ HỘI

Bên cạnh những kết quả đạt được, đối với tỉnh việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, trong đó đáng chú ý là: nhận thức về việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc ở một số cấp ủy, chính quyền và nhân dân chưa sâu sắc; việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa để huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ còn thấp; chưa phát huy tiềm năng, lợi thế các di sản lịch sử - văn hóa với việc thu hút du khách, phát triển du lịch; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc lĩnh vực văn hóa chưa được coi trọng đúng mức.

Để tiếp tục xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, tỉnh cần tăng cường nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là địa bàn vùng dân tộc thiểu số; coi trọng việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống. Xây dựng các đội nghệ thuật quần chúng; tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa văn nghệ, các cuộc thi sáng tác, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc. Quan tâm công tác quản lý Nhà nước tại các khu, điểm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các đoàn nghệ thuật của tỉnh, của tư nhân, các đội nhóm văn nghệ cơ sở. Xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sỹ, nghệ nhân trong các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đội ngũ kế thừa về sáng tác, biểu diễn nghệ thuật dân tộc; đào tạo, tập huấn  bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ làm công tác văn hóa biết tiếng, biết chữ (Hoa, Khmer) trên địa bàn và lĩnh vực chuyên môn./.

Lâm Tấn Hòa
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất