Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu
tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ và là Khu dự trữ sinh quyển thế
giới thứ 9 tại Việt Nam.
Ngày 9/6, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO (ICC MAB), Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (Lâm Đồng) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 tại Việt Nam.
Đoàn Việt Nam vui mừng khi Langbiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại phiên họp ngày 9/6 tại trụ sở UNESCO, Paris.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp ICC MAB lần thứ 27 do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại - Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, dẫn đầu.
Khu dự trữ sinh quyển Langbiang có diện tích 275.439 ha nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang của người K’Ho - cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay.
Nơi đây còn lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên đa dạng hòa quyện với những nét văn hóa đặc sắc của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN. Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số một trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Tại đây, các dịch vụ của các hệ sinh thái tự nhiên còn mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng bản địa thông qua chương trình “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” của Chính phủ Việt Nam. Hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thông qua những đóng góp của họ cho việc bảo vệ và duy trì các giá trị của hệ sinh thái.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S bày tỏ niềm vui và tự hào về việc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang được UNESCO công nhận sẽ góp phần quảng bá cho Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo ông, đây cũng là một thách thức đòi hỏi tỉnh phải tập trung xây dựng và tổ chức với phương châm gắn bảo tồn với phát triển, nhằm duy trì các chức năng của một Khu dự trữ sinh quyển mang tầm thế giới.
Về phần mình, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Phạm Sanh Châu nêu rõ đây là sự ghi nhận những đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc khởi xướng.
Các cơ quan chức năng cũng đã có kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị về đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, như thành lập Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển, kèm theo là một kế hoạch quản lý theo hướng tiếp cận đa ngành cùng một dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản. Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang sẽ kết nối với mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của mình.
Theo TTXVN