Tuyên bố trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh về người di cư với tên gọi “Hội nghị đoàn kết” do Tổng thống Uganda Yoweri Museveni và Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì. Hội nghị diễn ra tại Kampala này nhằm gây quỹ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà Uganda đang phải đối mặt.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Uganda cho rằng các cuộc xung đột tại châu lục buộc nhiều người rời bỏ quê hương một phần xuất phát từ năng lực lãnh đạo yếu kém và tình trạng phe phái trong nước. Theo ông Museveni, những vấn đề này có thể được giải quyết nếu các chính trị gia có thiện chí hòa giải vì lợi ích của người dân.
Nhà lãnh đạo Uganda đề nghị các tổ chức khu vực và LHQ giúp chấm dứt các cuộc khủng hoảng tại châu Phi, trong đó có xung đột triền miên tại miền Đông CHDC Congo khiến hàng nghìn người tị nạn sang các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Tổng thống Museveni cũng hối thúc Burundi tôn trọng các cam kết với Cộng đồng các quốc gia Đông Phi (EAC) nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Zambia Edgar Lungu nhấn mạnh châu Phi cần chú trọng xây dựng hòa bình, đồng thời phải chấm dứt nỗi thống khổ của người dân.
Cùng quan điểm trên, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed cho biết nước này đang hướng tới lập lại hòa bình. Kể từ năm 2007, Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi đã được triển khai tới quốc gia châu Phi này để giúp ổn định đất nước, trong bối cảnh nhóm al-Shabab có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda mưu toan áp đặt thể chế đạo Hồi hà khắc ở Somalia và lật đổ chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tại đây.
Về phần mình, tham dự hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh cần phải thực hiện mọi biện pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Nam Sudan, đồng thời đánh giá cao việc Chính phủ Uganda tiếp nhận nhiều người chạy trốn khỏi cuộc nội chiến đẫm máu ở Nam Sudan.
Hiện Uganda là nước tiếp nhận số người tị nạn lớn nhất ở châu Phi. Từ nước tiếp nhận số người tị nạn nhiều thứ 8 trên thế giới vào giữa năm 2016, Uganda hiện đang đứng ở vị trí thứ ba sau Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Số liệu thống kê của LHQ cho thấy nước này là điểm đến của hơn 1,2 triệu người tị nạn từ các nước láng giềng như Nam Sudan, CHDC Congo, Burundi và Rwanda. Trong số này, hơn 900.000 người Nam Sudan phải rời quê hương đi lánh nạn sau khi giao tranh nổ ra vào tháng 12/2013.
(TTXVN)