Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/8/2012 11:23'(GMT+7)

Lao Bảo thu hút 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. (Ảnh: VGP/Thế Phong)

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. (Ảnh: VGP/Thế Phong)

Khi mới hình thành, Lao Bảo là một khu vực miền núi heo hút, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội yếu kém, ngườ

i dân chưa có nước sạch, lại thiếu điện sinh hoạt, giao thông cách trở… Tại cửa khẩu, chỉ có 12 doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ; kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cũng chỉ đạt xấp xỉ 58 triệu USD/năm; lượng du khách qua cửa khẩu rất hạn chế.

Hiệu quả kinh tế-xã hội rõ nét

Năm 1998, Lao Bảo trở thành khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại  theo quyết định số 219/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam- Lào. Theo đó, Khu Thương mại Lao Bảo được thành lập, phía Lào thành lập Khu kinh tế biên giới Densavan.

Đến năm 2005, Khu Thương mại Lao Bảo đổi tên thành Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, được Chính phủ cho phép hoạt động theo một Quy chế riêng lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam với mức ưu đãi cao nhất dành cho các nhà đầu tư. 

Đây là một mô hình mới, lần đầu thực hiện ở nước ta, có đặc thù khác biệt so với các khu kinh tế, cửa khẩu khác trên cả nước, khi khu phi thuế quan trùng khít với khu kinh tế rộng gần 16.000ha, bao gồm 2 thị trấn và 5 xã của huyên Hướng Hóa. Khu kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo có dân cư sinh sống, hiện nay hơn 40.000 người.

Tổng vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Lao Bảo đến nay đạt 480 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương và nỗ lực triển khai xây dựng phát triển và thu hút đầu tư của các ban ngành tỉnh Quảng Trị, đến nay, Lao Bảo đã thu hút được 49 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, với tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó có 33 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt này đã có hơn 360 doanh nghiệp đến làm ăn và hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể, chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo cho biết, thu ngân sách nhà nước tăng dần mỗi năm, riêng năm 2011 đạt 50 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người tại Khu kinh tế - Thương mại đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Hướng Hóa theo hướng dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại phát triển mạnh.

Xã hội có nhiều thay đổi, giáo dục, y tế được nâng cao; đô thị phát triển, cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa và chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương chuyển biến tích cực; các hoạt động đầu tư, thương mại tại Lao Bảo đã giải quyết việc làm cho vạn lao động….

Theo quy hoạch định hướng chung cho các khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo trở thành đô thị loại IV và đô thị động lực cấp 1 (loại III) vào năm 2020. 

Đối với tỉnh Quảng Trị, Lao Bảo được xác định là một khu kinh tế động lực thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh. Đây cũng là điểm đầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây vào Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, dịch vụ, đem lại những tác động lan tỏa rõ nét.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, Lao Bảo đã từng bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh- quốc phòng, làm thay đổi hẳn bộ mặt của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc để Lao Bảo thành khu kinh tế động lực

Tuy nhiên, để Lao Bảo thu hút đầu tư tốt hơn, trở thành một khu kinh tế động lực trên tuyến Hàng lang kinh tế Đông- Tây, Ban Quản lý cho rằng, cần tháo gỡ một số vướng mắc liến quan đến chính sách, thuế, vốn đầu tư hạ tầng… Theo đó, đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét việc tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt này, trong đó có việc ưu tiên nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngành Hải quan xem xét tăng cường việc giảm các thủ tục không cần thiết về xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nhằm theo kịp các nước khác trong khu vực, tạo  thuận lợi cho phát triển du lịch đường bộ, vận tải hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách về đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.

Về phía Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Cường khẳng định, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo ở vào vị trí cửa ngõ của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, là con đường ngắn và thuận lợi nhất để mở rộng giao thương hàng hoá, du lịch, dịch vụ với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Vì vậy, Quảng Trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi các nhà đầu tư, thương gia, khách du lịch đến làm ăn, tham quan, nghỉ dưỡng tại đây./.

(Thế Phong/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất