Ngày 7/11, bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công cho một bé sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván hết sức nguy kịch.
Bệnh nhi tên là Giàng A Cương, sinh ngày 29/9/2014, dân tộc Mông, trú tại xã Na Pán, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Mẹ của bé chuyển dạ tại khu nhà trọ của công nhân ở huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Sau khi sinh, bố của bé đã tự lấy cật nứa ở vườn cắt dây rốn cho bé.
2 ngày sau khi sinh, bé Cương bỏ bú, sốt cao liên tục, được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai trong tình trạng toàn thân co cứng, co giật mạnh khi kích thích, ngừng thở dài, tím toàn thân, miệng chúm chím, khóc bé, rốn ướt và có mùi hôi.
Tại bệnh viện, các bác sỹ đã điều trị bằng các thuốc huyết thanh chống uốn ván, tiến hành đặt nội khí quản và thở máy, tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch 8 lần/ngày, truyền dịch kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Trong quá trình nằm viện, bé bị cấp cứu ngừng tim ngừng thở nhiều lần, co giật liên tục, sốt cao đờm nhiều. Hiện tại, sau một tháng điều trị tích cực, bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh, khóc to, bú tốt, hết giật, được về với mẹ và có thể xuất viện.
Theo bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa, tập quán sinh đẻ tại nhà của những gia đình dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu của tỉnh Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi lân cận dễ dẫn đến tai biến cho cả mẹ và bé.
Trẻ sơ sinh có thể bị ngạt chết, nhiễm trùng máu, uốn ván rốn... Người mẹ có thể bị băng huyết, vỡ tử cung... dẫn đến tử vong do cách xa các cơ sở y tế.
Trên thực tế, khi sinh tại nhà, nhiều gia đình thường dùng dao, kéo không tiệt khuẩn và lấy dây lanh, sợi chỉ buộc rốn cho trẻ sau khi sinh.
Trường hợp bệnh nhi Giàng A Cương, người mẹ đã không tiêm phòng uốn ván trong quá trình mang thai.
Đây là những lý do khiến nhiều trẻ phải cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai do tai biến sau sinh.
Hiện Khoa sơ sinh của bệnh viện cũng đang điều trị cho hai trường hợp bị nhiễm trùng máu do sinh tại nhà là bé Vàng A Dương (huyện Bảo Thắng) và Chu Giá Hờ (huyện Bát Xát).
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, các bệnh viện ở cơ sở gặp khó khăn khi cứu chữa do thiếu thốn về phương tiện.
Trong một số trường hợp, bệnh uốn ván dù được chữa khỏi nhưng vẫn có nguy cơ để lại những di chứng nguy hiểm cho trẻ về thần kinh vì thiếu oxy não, hẹp đường thở (do thở máy lâu dài)…/.
TG