(TG)–Lào Cai là một tỉnh có nhiều thành phần dân tộc khác nhau sinh sống, với mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc riêng, vì vậy hoạt động lễ hội rất phong phú, hầu hết được tổ chức vào dịp đầu Xuân. Công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội Xuân Đinh Dậu – 2017 được tỉnh Lào Cai tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hướng vào Năm du lịch Quốc gia – 2017: Lào Cai – Tây Bắc
Công tác quản lý, tuyên truyền tiếp tục được tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo, có nhiều đổi mới so với những năm trước đây
Rút kinh nghiệm việc tổ chức những năm trước tại địa phương, cùng với việc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2017 được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt từ rất sớm cùng với các kế hoạch, chương trình tổ chức các sự kiện Năm Du lịch Quốc gia – 2017. Các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương trong xây dựng kế hoạch, chương trình tổng thể việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội, đề ra các phương án bảo đảm việc chỉ đạo, quản lý hiệu quả. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, nhất là Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội dịp xuân Đinh Dậu – 2017, trong đó nhấn mạnh việc chỉ đạo không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh; không cấp phép mới việc tổ chức “Lễ hội chọi trâu”, “Hội chọi trâu” nếu không phải lễ hội truyền thống của địa phương.
Song song với việc chỉ đạo thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương gửi kế hoạch, kịch bản lễ hội để tổng hợp, thẩm định, xây dựng thành lịch hoạt động lễ hội chung trong toàn tỉnh đảm bảo cho việc kiểm tra, quản lý được thống nhất; hướng dẫn các cơ sở thành lập ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội.
Công tác tuyên truyền được các ngành, địa phương, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội chú trọng, từng bước thực hiện tốt nếp
sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Tại nhiều lễ hội đã tăng cường hệ thống bảng, biển để tuyên truyền về ý nghĩa của di tích và lễ hội; tuyên truyền các văn bản về tổ chức và quản lý lễ hội, bảo vệ di tích; ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Tại các điểm tổ chức lễ hội, đặc biệt là lễ hội gắn với di tích, nhân vật lịch sử, hoạt động tuyên truyền càng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức bằng panô, băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, đĩa VCD, tuyên truyền trên phương tiện loa đài… Ngoài ra, các cơ quan báo đài của địa phương cũng đã tích cực đưa tin, bài, đảm bảo công tác tuyên truyền kịp thời trước, trong và sau lễ hội phục vụ nhân dân. Một số địa phương tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết, thực hiện các quy định của ban tổ chức, phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá theo quy định, không tranh giành, đeo bám khách, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Góp phần đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương
Việc tham mưu tổ chức các hoạt động được các cấp, các ngành, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện nền nếp, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra đều khắp tại các địa phương trong toàn tỉnh với nhiều hình thức, thể loại phong phú. Với thể loại dân gian các dân tộc, được diễn ra từ ngày mùng 2 Tết – 15 tháng Giêng với tổng số hơn 30 lễ hội tiêu biểu như Lễ hội xuống đồng, Lễ hội cấp sắc, lễ hội Gầu tào, Lễ hội đạp núi, Lễ hội hát giao duyên, hội thi múa khèn... Tuy quy mô tổ chức không lớn nhưng các lễ hội dân gian mang giá trị sinh hoạt nghi lễ cộng đồng cao, phần lễ được tổ chức trang nghiêm và đúng nghi thức, phần hội gồm các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, các hoạt động ẩm thực, giao lưu văn nghệ, kết hợp với tổ chức thi trưng bày mâm dâng lễ đẹp, thi cày ruộng nhanh, thi đan lồng đựng gia cầm đẹp... Ngoài ra, có nhiều lễ hội còn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự, khám phá. Nét mới đáng ghi nhận lễ hội dân gian năm nay đã dần dần định hình những giá trị văn hóa bền vững trong quá trình khôi phục và tổ chức, phù hợp truyền thống địa phương. Gắn kết được các hoạt động văn hóa với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết cộng đồng. Nhiều lễ hội dân gian của Lào Cai đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Gầu tào, lễ Cấp sắc, lễ Cúng rừng...)
Các lễ hội gắn với di tích, nhân vật lịch sử được tổ chức trong dịp đầu xuân trên địa bàn tỉnh tương đối phong phú như: Lễ hội Đền Thượng, Đền Cô – Thành phố Lào Cai, Lễ hội Đền Phúc Khánh - huyện Bảo Yên, Lễ hội Đền Bắc Hà và Đền Trung Đô - huyện Bắc Hà, Lễ hội Đền Ken – huyện Văn Bàn.... Nhìn chung các lễ hội đều đã được tổ chức chất lượng. Việc sắp xếp hòm công đức, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu trong nơi thờ tự đúng quy định; đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ hợp lý tại các khu vực lễ hội. Giá cả các loại dịch vụ được quản lý, giảm thiểu việc tăng giá tuỳ tiện, thương mại hoá lễ hội. Riêng với lễ hội Đền Thượng tại thành phố Lào Cai đã thu hút tới 6 vạn lượt du khách tham dự. Chính quyền thành phố đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tập trung chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức lễ hội. Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú với chuỗi các hoạt động hấp dẫn như: Giải quần vợt Cúp đền Thượng truyền thống, giải bóng đá Thanh niên mở rộng, giải đua xe đạp địa hình mở rộng Cúp đền Thượng truyền thống, Hội Báo Xuân và trưng bày triển lãm thành tựu phát triển KT-XH của tỉnh, các huyện, thành phố, đêm thơ Nguyên tiêu và trình diễn các làn điệu dân ca; khu hội chợ thương mại, khu trưng bày của 150 gian hàng của các huyện, thành phố và khu vực văn hóa ẩm thực; giao lưu văn nghệ quần chúng...
Cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được các ngành chuyên môn của tỉnh thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có sự phối hợp liên ngành, góp phần vào thành công chung của việc tổ chức năm 2017. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy so với những năm trước, hoạt động văn hóa, lễ hội xuân Đinh Dậu – 2017 đã có nhiều tiến bộ, không còn các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như mê tín dị đoan, xem số, xem bói, gọi hồn, cầu cơ, sấm truyền, yểm bùa, phù phép chữa bệnh, tổ chức tham gia đánh bạc, nâng giá, ép giá dịch vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn du khách và người hành lễ được các Ban quản lý thực hiện hiệu quả.
Việc thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội xuân Đinh Dậu – 2017 đã góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai năm 2017 trong cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Phùng Nam Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai