Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 7/4/2011 15:12'(GMT+7)

Lao động về từ Libya đã có việc làm

Các doanh nghiệp đưa ra 16.000 chỗ làm, trong khi số lao động từ Libya trở về hơn 10.000 người nên khả năng các lao động đều được tiếp nhận hết. Sẽ đảm bảo chính sách cho người lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến ngày 6-4 Tổng công ty Viglacera đã tuyển và tiếp nhận lao động vào làm việc. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, phó trưởng phòng tổ chức lao động của Viglacera, cho biết đã có mười lao động chính thức làm việc tại các công ty thành viên của Viglacera.

Theo bà Yến, do đang tổng hợp nhu cầu tuyển lao động thực tế tại 40 công ty thành viên nên chưa có số liệu cụ thể, nhưng chắc chắn nhu cầu tuyển là rất nhiều. Mức lương bình quân đối với lao động làm việc cho Viglacera tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngay khi các lao động về đến VN, Viglacera đã cử cán bộ tiếp cận, tư vấn việc làm cho người lao động. Nếu lao động có nhu cầu sẽ được tiếp nhận và thử việc trong hai tháng, với mức lương thử việc 2,6 triệu đồng/người/tháng và được công ty hỗ trợ nhà ở, tiền ăn giữa ca. Ngoài ra sản phẩm làm ra trong thời gian thử việc nếu đạt yêu cầu cũng sẽ được tính lương...

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến lúc này vẫn chưa có phương án giải quyết chính sách cho những lao động trở về từ Libya.

Tuy nhiên Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm bàn bạc với một số bộ ngành liên quan để có chính sách hỗ trợ hợp lý, thỏa đáng cho người lao động. Tinh thần là những lao động phải về trước hạn bất khả kháng mà chưa làm việc được quá nửa thời gian hợp đồng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Ông Quỳnh cũng cho biết nhiều địa phương đã tích cực tham gia giải quyết vấn đề lao động “hậu Libya”. Ngoài mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người của Chính phủ và doanh nghiệp, khi về địa phương, lao động của Ninh Bình được tỉnh hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/người. Các địa phương khác như Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

Rất nhiều việc chờ người

Trong khi đó ông Lê Quang Trung, phó vụ trưởng Vụ Lao động - việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết cơ quan này đã cùng Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp có buổi làm việc sơ bộ về việc tiếp nhận lao động.

Theo ông Trung, đây chỉ là một trong những giải pháp giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động trở về từ Libya được đưa ra. Ngoài ra còn các giải pháp khác như hỗ trợ để người lao động có việc làm tại chỗ, hoặc nếu lao động nào có nguyện vọng sẽ được tiếp tục đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện các doanh nghiệp đang rà soát để báo cáo Bộ LĐ-TB&XH nhu cầu cụ thể về lao động cho từng ngành nghề, lĩnh vực công việc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quỳnh cho biết ngay khi lao động về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp ở địa phương thực hiện các giải pháp giảm bớt khó khăn và giải quyết việc làm cho lao động.

Đồng thời cơ quan này cũng đề nghị ngành lao động các tỉnh, thành phố tổ chức thống kê, khảo sát khả năng, nhu cầu, nguyện vọng của từng người lao động diện này trên địa bàn và nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm việc cho họ.

Về phần mình, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đẩy mạnh tìm kiếm thị trường phù hợp để sẵn sàng tiếp tục đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài./.

Theo Tuổi trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất