Thứ Bảy, 18/5/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 22/3/2019 15:47'(GMT+7)

Lao động Việt cần chủ động đón nắm bắt cơ hội

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: B.D

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: B.D

Lao động Việt: Chưa chủ động về tâm thế

Tại Hội thảo khoa học các giải pháp về chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý dịch chuyển lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 20/3, TS Vũ Thị Loan - Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu - cho biết: Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.

Việc tạo điều kiện tự do dịch chuyển lao động có tay nghề giữa các quốc gia được quan tâm sâu sắc vì quy mô lực lượng lao động của các quốc gia trong cộng đồng lên đến hơn 640 triệu người, Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong việc thực thi các cam kết về kinh tế, tự do dịch chuyển lao động như chất lượng lao động (chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng, kinh nghiệm) chưa đảm bảo; tỷ lệ lao động có tay nghề đạt chuẩn dịch chuyển còn ít; chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng; hợp tác, quản lý lao động còn nhiều bất cập...

Thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước về “Dịch chuyển lao động có tay nghề trong quá trình Việt Nam tham gia Cộng đồng nghiên cứu ASEAN”, nhóm nghiên cứu do Viện Công nhân và Công đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì chỉ ra rằng, khi AEC ra đời, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động.

Theo nhóm nghiên cứu, 10 kỹ năng căn bản và quan trọng hàng đầu đối với người lao động Việt Nam trong cạnh tranh và hội nhập của thời đại ngày nay, đó là: Kỹ năng học và tự học; kỹ năng kiểm soát bản thân; kỹ năng phân tích, phê phán và tư duy sáng tạo; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng giao tiếp và ứng xử; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng đàm phán.

Trong giai đoạn 2010-2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28% và điều này sẽ mang lại thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người. Việc di chuyển này được thực hiện trên cơ sở trình độ của người lao động được công nhận trong các nước thành viên ASEAN trên cơ sở thỏa thuận chung.

Đến nay, đã có 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 lĩnh vực ngành nghề, gồm: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán và hành nghề du lịch. “Đây là cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng từ nước ta đến các quốc gia khác, đồng thời cũng phải cạnh tranh quyết liệt trong tìm kiếm việc làm trong nước, khi luồng lao động kỹ năng đến từ các quốc gia khác dịch chuyển đến Việt Nam, TS Vũ Thị Loan - Chủ nhiệm đề tài cho biết.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu về dự định thời gian tham gia làm việc tại AEC của sinh viên sau khi ra trường, cụ thể là trong vòng 3-5 năm tới, có 43,4% muốn dịch chuyển, và tỷ lệ mong muốn dịch chuyển trong 2 năm tới chỉ là 30,8%. Kết quả khảo sát từ sinh viên - đội ngũ lao động chính trong tương lai gần, nằm trong xu thế dịch chuyển lao động là tất yếu - cho thấy, sinh viên Việt Nam còn thiếu tự tin, chưa sẵn sàng tham gia dịch chuyển trong thị trường AEC.

Những lý do, đồng thời cũng là rào cản được sinh viên đưa ra như: Sợ chuyên môn không được chấp nhận, chiếm 33,9%; không muốn xa bạn bè, môi trường sống thân thuộc, chiếm 70,1%; bố mẹ, gia đình không muốn xa con, chiếm 59%; chỉ muốn làm việc tại Việt Nam, chiếm 71,2%; chưa tìm hiểu kỹ và chưa biết nhiều về thị trường lao đông AEC, chiếm 71,1%. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình dịch chuyển lao động có kỹ năng của Việt Nam trong AEC.

Bên cạnh đó, những lý do người lao động Việt Nam đưa ra cho rằng còn gặp khó khăn trong quá trình dịch chuyển, đó là: Lo lắng về sự khác biệt văn hóa: chiếm 37,9%; sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường lao động: 43,4%; rào cản, bất đồng về ngôn ngữ: 50,4%; tiêu chuẩn trong lao động (yêu cầu thực hành chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, chứng chỉ hành nghề): 41,2%; rất khó cạnh tranh với lao động có tay nghề tại nước bạn: 40,7%; và các khó khăn khác...

Cần chủ động đón nhận xu thế tất yếu

Tại hội thảo, các nhà khoa học đều nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự dịch chuyển lao động là tất yếu, và đây cũng là con đường dẫn tới sự phát triển. Do đó, người lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm thế trở thành lao động toàn cầu, không phải chỉ làm việc ở Việt Nam, mà có thể làm việc ở bất kỳ đâu trong khu vực, mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Tương tự, lao động nước ngoài đến Việt Nam cũng phải hoàn thiện, chủ động hoàn thiện kỹ năng, kiến thức để đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động, chứ không phải chỉ riêng lao động Việt Nam.

Nhận định, trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng của các nước trong khu vực ASEAN tiếp tục tăng cao. Cụ thể, với xu thế tiếp tục thúc đẩy mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, số lao động Việt Nam đến các quốc gia này vẫn tiếp tục tăng dần qua các năm và đến năm 2020 có khoảng 92.000 lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan; 94.000 lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản; số lao động Việt Nam tới làm việc tại Hàn Quốc sẽ tăng nhẹ khoảng 5.000-6.000 lao động mỗi năm trong giai đoạn từ 2018-2020.

Bên cạnh đó, xu thế dịch chuyển lao động nội khối ASEAN tăng lên, dự báo, tới đây số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia sẽ đạt khoảng 3.000 lao động vào năm 2019, tăng lên 5.000 lao động vào năm 2020 và kỳ vọng sẽ tăng lên 12.736 lao động vào năm 2025.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra khuyến nghị: Việt Nam phải thực sự coi đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển, hội nhập và do vậy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của lao động và khả năng dịch chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN.

Trong đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người lao động về tham gia dịch chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN, làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực (số lượng đông, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp...) thành lợi thế chủ yếu thông qua đào tạo, thông qua giáo dục và khoa học công nghệ.

Là cơ quan chủ trì nghiên cứu, từ góc độ của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, khi Việt Nam là thành viên của AEC, tổ chức Công đoàn cần quan tâm hơn và nghiên cứu, đề xuất các đề án, kế hoạch tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và ngoại ngữ để người lao động Việt Nam có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình dịch chuyển lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cần nghiên cứu, đề xuất mô hình thu hút, tập hợp người lao động có quốc tịch nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia các hoạt động của Công đoàn Việt Nam; đồng thời có chính sách, giải pháp chăm lo, bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ngoài./.

Theo laodongthudo.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất