Bộ Công Thương vừa có công văn số 1429/BCT-TTTN yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kiểm tra, rà soát lại hệ thống phân phối của mình nhằm phát hiện, xác định các cửa hàng xăng vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, các thương nhân đầu mối phải bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường; ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu về cả số lượng và cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hàng năm; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối của mình, bảo đảm cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán đủ thời gian.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu có cửa hàng bán lẻ trên địa bàn phải mở cửa hàng đủ thời gian, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng…; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đưa tin thất thiệt, đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán, kể cả tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, chờ tăng giá… Nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng, người dân có thể gọi điện thoại báo theo đường dây nóng, số máy 0943868839 - 04.39348103 Cục sẽ cử người đến giải quyết trực tiếp.
Bên cạnh đó, để kiểm soát tình hình xuất lậu xăng dầu đang diễn ra khá nóng bỏng tại khu vực biên giới Tây Nam do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với nước ngoài từ 4.000 đến 6.000 đồng/lít, Cục quản lý thị trường cũng yêu cầu Chi cục quản lý thị trường các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Long An… tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng này, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vận chuyển xăng dầu qua biên giới.
Theo Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Tài chính-Công Thương, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang chịu lỗ từ 2.500-3.500 đồng/lít tùy từng mặt hàng xăng dầu.
Để giữ giá như hiện nay, Bộ Tài chính đã sử dụng nhiều biện pháp như giảm thuế, trích quỹ bình ổn bù lỗ cho doanh nghiệp. Hơn 11.000 tỷ đồng huy động từ quỹ và thuế đã được đưa ra sử dụng hết cho việc bù giá.
Tuy nhiên, giá thể giới vẫn liên tục tăng cao và hiện quỹ bình ổn giá cũng đã cạn, trong khi ngân sách nhà nước không thể tiếp tục trích ra bù lỗ cho doanh nghiệp. Vì thế, biện pháp điều chỉnh giá bán để giảm áp lực cho kinh doanh xăng dầu đã được tính đến.
Ông Nguyễn Lộc An, tổ phó Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ tài chính-công thương cho rằng: doanh nghiệp đầu mối đã bị “dồn nén” quá lâu, gần 6 tháng mà vẫn chưa được điều chỉnh giá, trong khi giá xăng dầu thế giới vẫn liên tục tăng cao.
"Nhưng để tránh việc tăng giá có thể gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn," ông An nói./.
(Theo Vietnam+)