Ngày 5/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn giám sát của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của 8 tỉnh, thành phố là Hà
Nội, Ninh Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Gia Lai, Hồ Chí Minh và Đồng
Tháp về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về
đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông.
Theo kết quả khảo sát của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
hiện nay quy mô giáo dục và mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông từng bước
được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cả nước. Tuy
vậy, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông còn chậm
và chưa sát với thực tiễn; cơ cấu loại hình trường và mô hình tổ chức hoạt động
của các cơ sở giáo dục phổ thông được đa dạng hóa nhưng các loại hình trường
chưa có sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền.
Riêng về đổi
mới chương trình, sách giáo khoa, đoàn giám sát đã có đánh giá khá cụ thể; trong
đó đánh giá việc tổ chức biên soạn chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ
thông vẫn chưa có cơ chế bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học,
môn học; việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình sách
giáo khoa còn thiếu đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt, hiện nay nội dung chương
trình giáo dục phổ thông còn nặng, quá tải, thiên về trang bị kiến thức mà chưa
chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách học sinh; chương
trình chưa thể hiện đầy đủ và rõ nét mức độ hiện đại, cập nhật cần thiết, tính
tích hợp, phân hóa trong xây dựng còn yếu…
Từ kết quả giám sát này, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giáo dục phổ
thông; Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa thực hiện sau 2015; đưa
dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa
XIII nhằm thể chế hóa nội dung liên quan đến nhà giáo.
Đối với Chính phủ
và các bộ, ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị đổi mới mạnh mẽ công
tác quản lý giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học;
có cơ chế, chính sách thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản
lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới cơ bản cơ chế, chính sách
đầu tư và tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển
giáo dục; đổi mới cơ chế, chính sách trong quản lý và phát triển các trường
chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông công lập chất lượng
cao, trường có yếu tố nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân tài, nguồn
nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Tại hội nghị, đại diện ngành giáo
dục các địa phương đều đánh giá cao kết quả giám sát của đoàn Giám sát Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, đồng thời kiến nghị một số chính sách liên quan đến giải
pháp nhằm đổi mới công tác quản lý giáo dụ như về tăng đầu tư kinh phí; nghiên
cứu các chương trình giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển để áp dụng
các phương pháp dạy và học tiên tiến; các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục
phổ thông.
Ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền
Giang nhận định, công tác quản lý giáo dục phổ thông thời gian qua đã có những
biểu hiện xa rời mục tiêu quản lý chất lượng giáo dục toàn diện. Để công tác
quản lý giáo dục phát triển lành manh, đi vào thực chất chất lượng giáo dục toàn
diện, ngành giáo dục cần tháo gỡ được ảnh hưởng của lối tư duy “học để thi” ra
khỏi các hoạt động giáo dục phổ thông hiện nay.
Đối với giáo dục hướng
nghiệp, trước thực trạng học nghề phổ thông của học sinh chủ yếu là để cộng điểm
thi tốt nghiệp, có ý kiến cho rằng chương trình giáo dục hướng nghiệp cần biên
soạn thêm sách hướng dẫn cho giáo viên, nhất là sách hướng dẫn giáo dục hướng
nghiệp qua môn học ở trường phổ thông. Về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan
tâm là việc dạy và học môn lịch sử, ông Phạm Văn Khanh cho rằng, để học sinh có
hứng thú với môn lịch sử, cần phải cấu trúc lại chương trình, viết lại sách giáo
khoa, thay đổi cách viết sử và nâng cao trình độ giáo viên./.
Liên Phương
(TTXVN)