Thứ Năm, 26/9/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 19/6/2009 22:17'(GMT+7)

Lê Công Ðịnh thú nhận tội lỗi

Lê Công Định đọc bản tường trình.

Lê Công Định đọc bản tường trình.

Lê Công Ðịnh làm việc tại Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Ðịnh tại 37 Tôn Ðức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 17-6, Lê Công Ðịnh đã có hai bản tường trình gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Bản thứ nhất Lê Công Ðịnh viết: "Vào khoảng đầu năm 2007, tôi có quen một người tên là Ðôn-na Li-bơ-men qua điện thoại tự xưng là nhà nghiên cứu Việt Nam. Sau nhiều lần trao đổi người này mời tôi sang Hồng Công (Trung Quốc) và Thái-lan để dự các hội thảo về xã hội học. Khi trao đổi với tôi, người này thường nói bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy nhiên, những lần mời đó tôi đều từ chối vì chưa quen biết nhiều về Ðôn-na Li-bơ-men.

Trong năm 2008, người này liên lạc với tôi qua điện thoại nhiều hơn và trao đổi về các vấn đề khoa học xã hội. Khoảng tháng 2-2009, cô Ðôn-na lại mời tôi sang Pát-tay-a, Thái-lan để gặp gỡ cô ta và gia đình.

Tôi nhận lời đi vì muốn biết rõ về công việc nghiên cứu của cô này. Tôi sang Thái-lan vào tối 29-2-2009. Người đón tôi tại Pát-tay-a là một phụ nữ Việt Nam tên là Phương An mà tôi cũng đã từng nói chuyện qua điện thoại. Ở đây tôi mới biết cô Ðôn-na Li-bơ-men cũng chính là Phương An.

Về cô Phương An thì tôi đã có dịp trao đổi qua điện thoại và một thư chung do cô ấy lập ra tên là allforone4ever@gmail.com (mật khẩu 3changngulamphaothu) từ đầu tháng 2-2009.

Sáng 1-3-2009, cô Phương An và chồng cô tên là Châu đưa tôi đến một phòng hội nghị. Tại đây tôi mới biết họ tổ chức một buổi huấn luyện về phương pháp đấu tranh bất bạo động theo kinh nghiệm của Xéc-bi-a, do hai người Xéc-bi-a trình bày, một người tên là Bla-đô, còn người còn lại tôi không còn nhớ tên.

Sau đó vì có việc riêng nên tôi trở lại Băng-cốc và quay trở lại Pát-tay-a vào ngày 3-3-2009. Họ có chiếu phim về Thánh Gan-đi, mục sư Mác-tin Lu-thơ-kinh cho chúng tôi xem.

Ngoài tôi ra, còn có khoảng mười người Việt Nam tham dự, tất cả họ đều không dùng tên thật và tôi đều không biết họ trước đó. Tuy nhiên, khi trò chuyện, tôi biết một người nói giọng Nghệ An mang tên Vinh, do anh Lê Quốc Quân, người của tổ chức phản động Việt Tân giới thiệu.

Từ sự việc đó tôi bắt đầu hiểu rằng đây là lớp huấn luyện về đấu tranh bất bạo động của Việt Tân, mặc dù cả cô An và anh Châu đều không nói rõ họ là ai.

Ngày 4-3-2009, tôi trở về Việt Nam mặc dù lớp học đó vẫn kéo dài thêm nhiều ngày nữa".

Bản thứ hai, Lê Công Ðịnh viết tiếp: "Tôi tham gia khóa huấn luyện bất bạo động do tổ chức Việt Tân tổ chức từ ngày 1-3-2009 đến 3-3-2009 tại Pát-tay-a, Thái-lan, trong đó do hai người Xéc-bi-a trình bày, một người tên là Bla-đô, còn người kia thì tôi không nhớ rõ tên.

Tôi biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam.

Theo sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, tôi đã tham gia tổ chức đảng Dân chủ Việt Nam do ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch đảng Nhân dân hành động, đứng đầu. Ông Bình mời tôi tham gia Ban Thường vụ của đảng Dân chủ.

Ngày 26-3-2009, tôi sang Phu-kệt gặp ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Trần Huỳnh Duy Thức để bàn về tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam, bàn chủ trương thành lập thêm hai đảng mang tên là đảng Lao động Việt Nam và đảng Xã hội Việt Nam để thu hút thêm lực lượng tham gia, trước mắt chúng tôi thống nhất lập hai blog mang tên "đảng Lao động Việt Nam" do tôi phụ trách và blog mang tên "đảng Xã hội Việt Nam" do anh Thức phụ trách, và cũng tại Phu-kệt chúng tôi bàn về việc viết chung cuốn sách "Con đường Việt Nam" để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội, kinh tế và pháp luật cho Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận định thời cơ của sự thay đổi sẽ diễn ra vào cuối năm 2010 xuất phát từ tình hình kinh tế-xã hội khủng hoảng.

Sau khi về nước tôi đã lập một blog và viết lời tuyên cáo thành lập đảng Lao động Việt Nam nhưng do lỗi kỹ thuật mà chưa hoàn thiện và công bố thì tôi bị bắt.

Trong quá trình tham gia đảng Dân chủ Việt Nam, tôi đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong, thuật ngữ của Bản Ðiều lệ đảng Dân chủ Việt Nam.

Tôi cũng đã được Nguyễn Sỹ Bình chuyển cho tôi tham khảo nghiên cứu một bản "Tân Hiến pháp" phục vụ cho việc soạn thảo một bản Hiến pháp của đảng Dân chủ Việt Nam.

Tôi thấy những việc làm trên của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi hưởng lượng khoan hồng".

Ðược biết, từ ngày 24-5 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giữ ba đối tượng có hành vi vi phạm Ðiều 88 Bộ luật Hình sự, gồm: Trần Huỳnh Duy Thức (đã khởi tố bị can), Lê Thăng Long (đã khởi tố bị can) và Lê Công Ðịnh. Vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để xử lý theo pháp luật.


Phần đầu

và phần cuối Bản tường trình của Lê Công Định.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất