Việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư của các dự án xây dựng; tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB, góp phần thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Đây là nhận định chung được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể sáng 8/6 khi thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB.
Dự thảo Luật tập trung vào những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư XDCB, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều vướng mắc nhất trong 6 luật là: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Tán thành với tên gọi của Dự thảo Luật, các đại biểu Nguyễn Kim Khánh (Cà Mau), Phan Thị Thu Hòa (Đồng Tháp), Võ Minh Thức (Phú Yên) cho rằng Dự thảo nên tập trung theo hướng ưu tiên giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, bức xúc nhất về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư XDCB.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có đại biểu cho rằng. Điều 40 của Luật Xây dựng hiện hành quy định rất chặt chẽ nhưng cũng làm cho việc điều chỉnh mất nhiều thời gian vì các nội dung điều chỉnh dự án phải được người quyết định đầu tư cho phép. Các đại biểu đề nghị sửa đổi Điều này trong Dự thảo Luật theo hướng phân cấp cho chủ đầu tư được phép tự quyết định điều chỉnh dự án, trừ một số nội dung quan trọng phải báo cáo người quyết định đầu tư; đồng thời cần làm rõ dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh khi có “các sự kiện bất khả kháng khác” (chẳng hạn, trường hợp do biến động bất thường của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu) nhằm tránh tình trạng áp dụng luật tuỳ tiện.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, theo nhiều đại biểu cần tập trung xem xét và làm rõ trong Dự án Luật là sửa đổi quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 11), về chỉ định thầu (Điều 20), về phân cấp trong đấu thầu cần chú ý tới việc chuyển bớt thẩm quyền của người quyết định đầu tư cho chủ đầu tư (các điều 4, 31, 32...) Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng phân cấp mạnh hơn, giảm bớt và rút ngắn thời gian trong việc xử lý các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, xây dựng và điều chỉnh hợp đồng, xử lý tình huống phát sinh trong đấu thầu và có các chế tài đủ mạnh trong xử lý các tiêu cực về đầu thầu, thẩm định thầu...
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị sửa đổi Điều 19,22 Luật Bảo vệ môi trường theo hướng cho doanh nghiệp nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường vào thời gian hợp lý để bảo đảm tiến độ lập dự án với điều kiện phải được phê duyệt trước khi khởi công.
Đối với khoản 2 của Điều 7 trong Dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở thay cụm từ “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” bằng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Thức (Bà Rịa Vũng Tàu) và một số đại biểu đề nghị lấy tên của giấy chứng nhận là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" để thể hiện 2 nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Một số đại biểu cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (ngoài nhà ở) có phạm vi quá rộng, không khả thi, chỉ nên thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Việc sửa đổi, bổ sung Điều 48 về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Luật Đất đai), đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà (Bắc Ninh) đề nghị giao Chính phủ quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, quy định cơ quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục.
Trước đó, sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB, với 217 lượt đại biểu ở 17 tổ phát biểu, đa số đều tán thành với nội dung Dự thảo Luật này./.
(Cổng TTĐTCP)