Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Ba, 13/5/2014 21:40'(GMT+7)

Lễ tiếp nhận Bộ Atlas khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận Bộ atlas thế giới xuất bản tại Bruxelles năm 1827

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận Bộ atlas thế giới xuất bản tại Bruxelles năm 1827

Chiều 13/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ tiếp nhận và công bố Bộ Atlas thế giới xuất bản tại Bruxelles năm 1827 khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đông đảo các vị khách quý trong nước và các đoàn ngoại giao, đại diện phóng viên các báo đài trong nước và các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tại Hà Nội. 

Phát biểu tại buổi Lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Hoạt động tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 là một phần trong nhiều hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về
Tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Trước đó, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, các học giả, Việt kiều yêu nước tổ chức Triển lãm, trưng bày bản đồ và tư liệu lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và còn tiếp tục đang có kế hoạch đưa ra nước ngoài nhằm khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Bộ Atlas này gồm 6 tập khổ lớn do nhà địa lý học Philippe Vandermaelen, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1827, trong đó, tập 2 – Châu Á, có bản đồ vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam có thể hiện quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng, chi tiết và chính xác, kèm theo bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, tài liệu này được các nhà sử học Pháp và Bỉ đánh giá là có giá trị khoa học và pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng nhận định này, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích cụ thể, trong tập hai của bộ Atlas, Việt Nam được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Đặc biệt, Partie de la Cochichine là tờ số 106 vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Trong tờ này, phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ từ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo Hoàng Sa trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía Tây, Tree và Lincoln, Rocher au desus de l’eau (Bãi Đá ngầm) ở phía đông  và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ độ 16; investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ độ 14,5. Bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa, bản đồ có một phần giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam.

T
rong khi đó, tấm 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực Nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỉ đầu thế kỉ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây ở chỗ không hề vẽ  lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. 


 

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, điều này đã phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen và góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được thể hiện trong Partie de la Cochinchine.

Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận bộ Atlas này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Cũng nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Bắc Son thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cảm ơn sự phối hợp của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài, của nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình sưu tầm và công bố các tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa./.

Duy Hưng

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất