Trong báo cáo cuối cùng của mình trên cương vị điều phối viên về Trung Đông trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Serry tuyên bố “không biết là liệu đã quá muộn hay chưa” để khôi phục tiến trình hòa đàm nhằm thành lập Nhà nước Palestine.
Ông cũng bày tỏ quan ngại về những phát biểu trước đó của Thủ tướng Netanyahu trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không bao giờ cho phép thành lập một nhà nước Palestine khi ông còn nắm quyền. Điều này làm dấy lên nghi ngờ với cam kết của Israel về giải pháp hai nhà nước.
Đặc phái viên Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ mới của Israel hủy bỏ quyết định giữ tiền thuế của Palestine và nắm lấy cơ hội, thể hiện bằng lời nói và hành động về cam kết hòa bình của mình. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế cần nghiêm túc xem xét việc đưa ra một khuôn khổ đàm phán và đó “có thể là cách duy nhất để bảo vệ mục tiêu giải pháp 2 nhà nước.”
Ông Serry đã đảm nhiệm vai trò đặc phái viên của Liên hợp quốc về hòa bình Trung Đông trong hơn 7 năm. Người được chỉ định thay thế ông là nhà ngoại giao Bulgaria Nickolay Mladenov, người từng đảm trách đặc phái viên Liên hợp quốc tại Iraq.
Trước đó, ngày 25/3, Thủ tướng Netanyahu đã có những tuyên bố mang tính hòa giải khi được chính thức chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới của Israel.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ tỏ ra chưa hài lòng với tuyên bố này trong khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi ông Netanyahu tái cam kết về mô hình hai nhà nước.
Trước đó, Liên hợp quốc liên tục kêu gọi Israel dừng chương trình xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine, hoạt động được coi là phi pháp và làm xóa nhòa triển vọng xây dựng nhà nước Palestine.
Cùng ngày, theo báo cáo có tiêu đề "Những mảnh đời lưu lạc" do Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) công bố, năm 2014 là năm "thảm họa" đối với người dân Palestine.
Theo báo cáo này, 1,8 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza đã phải sống trong tình trạng leo thang bạo lực trong cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas với quân đội Israel, khiến hơn 1.500 dân thường Palestine thiệt mạng, trong đó có hơn 550 trẻ em, buộc khoảng 100.000 người sống trong cảnh không nhà cửa.
Đây cũng là một năm đau buồn với hàng triệu người dân Palestine sống tại khu vực Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.
Việc tái thiết Dải Gaza sau cuộc xung đột kéo dài 51 ngày đang diễn ra chậm chạp do vấp phải sự phong tỏa của Israel.
Tình trạng thiếu tiền quyên góp cho các nỗ lực tái thiết có thể khiến hơn 22.000 hộ gia đình Palestine phải rời bỏ nhà cửa và 1,6 triệu người tại các khu vực bị chiếm đóng bị cắt chương trình hỗ trợ thực phẩm, nước sạch và dịch vụ vệ sinh.
Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản và giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc Israel tiếp tục phá hủy nhà cửa của người dân Palestine để xây dựng các khu định cư Do Thái cũng đẩy nhiều người vào cảnh mất nhà cửa./.
TTX