Ngày 24/9, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong khuôn khổ Cơ chế Báo cáo kiểm điểm định kỳ (UPR) của Liên hợp quốc.
Tham gia phiên họp thông qua Báo cáo này có đầy đủ đại diện của 192 nước thành viên của Hội đồng nhân quyền, các tổ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp bao gồm đại diện nhiều cơ quan Nhà nước có liên quan và các tổ chức phi chính phủ, do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định mục tiêu cao nhất, đồng thời cũng là biểu hiện cụ thể về quyền con người ở Việt Nam là phấn đấu hết sức mình để xây dựng "dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Nhà nước Việt Nam trong những năm qua đã không ngừng xây dựng và củng cố hệ thống pháp luật toàn diện về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người; hệ thống kiểm tra, giám sát và thực hiện pháp luật với sự tham gia của nhân dân không ngừng được đổi mới theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền; các quyền của người dân được đẩy mạnh trên tất cả các mặt, từ dân sự, chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa.
Nhằm làm rõ hơn một số thông tin được nhiều nước quan tâm, Thứ trưởng nêu rõ: Báo chí có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, với Việt Nam cũng vậy, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện để báo chí phát triển bằng cách tạo dựng khuôn khổ pháp luật đầy đủ và môi trường chính sách thuận lợi, đảm bảo phát huy tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Hiện tại, Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục sửa đổi Luật báo chí và ban hành thêm nhiều quy định mới vừa đáp ứng các điều kiện đặc thù về văn hóa, lịch sử của xã hội Việt Nam, vừa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng một lần nữa khẳng định lại chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam và nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là đoàn kết giữa các tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam; tạo mọi điều kiện để cho mọi dân tộc, mọi tôn giáo được phát triển và phát triển đồng đều. Đó chính là lý do vì sao sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lại phát triển nhanh, mạnh, đặc biệt là 35 năm trở lại đây.
Trong phần phát biểu góp ý cho bản báo cáo, đại diện tất cả các nước đều đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Một điều bao trùm nhất trong phát biểu của các nước là đánh giá cao thái độ nghiêm túc, hợp tác, cởi mở trao đổi kinh nghiệm với các nước trong việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
Cuba, Venezuela và Nga coi cách tiếp cận và phương pháp giải quyết của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người là một tấm gương để các nước học tập.
Brunei ghi nhận vai trò tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế nhân quyền ASEAN, góp phần vào nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong khu vực. Thái Lan nói rằng Việt Nam đã cung cấp kinh nghiệm quý cho các nước khác trong việc thực hiện đầy đủ quyền của người dân.
Algeria coi những thành tựu của Việt Nam, cũng như cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thực hiện Cơ chế kiểm điểm định kỳ là một đóng góp thiết thực vào cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân quyền.
Trong thời gian dành cho các tổ chức phi chính phủ phát biểu, nhiều tổ chức đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, kinh tế xã hội.
Hội đồng hòa bình thế giới ghi nhận rằng, mặc dù vẫn còn còn bị tác động bởi hậu quả của chiến tranh, nhưng Việt Nam đã có nhiều cố gắng bảo đảm các quyền tự do cơ bản về dân sự, tôn giáo, tín ngưỡng, mở rộng dân chủ, nhất là việc truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn của Quốc hội.
Hội Luật gia Dân chủ (International Association of Democratic Lawyers- IADL) cùng Trung tâm châu Âu - Thế giới thứ 3 (Europe - Third World Centre- CETIM) hoan nghênh những thành tựu rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền con người ở mọi lĩnh vực; kêu gọi Hội đồng Nhân quyền quan tâm đến những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, mà cho đến nay vẫn chưa ai chịu trách nhiệm.
Tổ chức Bắc-Nam 21 (Nord Sud XXI) đánh giá Việt Nam là một ví dụ điển hình cho các nước noi theo; đồng thời kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm giúp đỡ Việt Nam với tinh thần hợp tác và dành nguồn lực thích hợp.
Trong phiên họp cũng có những tiếng nói lạc điệu của một vài tổ chức phi chính phủ nêu ra những sự việc không đúng với bản chất tình hình thực hiện quyền con người của Việt Nam, khiến cho những tiếng nói này trở nên lạc lõng./.
TTXVN