Tại phiên họp ngày 3/6 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, các nước thành
viên lần lượt ký thông qua Hiệp ước buôn bán vũ khí (ATT) quy định việc
kiểm soát hoạt động buôn bán trên toàn cầu đối với các loại vũ khí thông
thường, từ xe tăng, tàu chiến và máy bay chiến đấu cho tới các loại
súng trường và đạn.
Đại sứ Australia tại Liên Hợp Quốc kiêm Đại sứ giải trừ quân bị của Liên
Hợp Quốc, ông Peter Woolcott khẳng định, Hiệp ước này sẽ đưa ra những
tiêu chuẩn quốc tế mới về kiểm soát buôn bán vũ khí, qua đó hình thành
một khuôn khổ đa phương minh bạch và đáng tin cậy cho lĩnh vực này.
Ông Woolcott nhấn mạnh: “Hiệp ước này sẽ
giúp ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí một cách vô trách nhiệm và phi
pháp để thực hiện các hành vi tàn bạo, vi phạm nhân quyền. Hiệp ước này
cũng sẽ củng cố cho hòa bình, an ninh khu vực cũng như quốc tế, từ đó
giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là một hiệp ước mạnh mẽ và cân
bằng”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế
(ICRC), bà Christine Beerli nhận định, điểm đáng chú ý nhất của Hiệp ước
này sẽ cấm hoàn toàn việc chuyển giao vũ khí khi một nước biết rằng số
vũ khí đó có thể bị sử dụng để thực hiện tội ác diệt chủng, chống lại
loài người và các tội ác chiến tranh khác. Mỗi nước ký kết Hiệp ước này
cũng có trách nhiệm đánh giá nguy cơ vũ khí học xuất khẩu bị sử dụng sai
mục đích, vi phạm các luật quốc tế về nhân quyền.
Các tổ chức nhân đạo cho rằng, thỏa
thuận quan trọng đầu tiên về vũ khí của thế giới kể từ sau Hiệp ước cấm
thử hạt nhân toàn diện năm 1996 này có thể ngăn chặn một Syria đẫm máu
thứ hai. Trưởng ban Kiểm soát vũ khí của tổ chức nhân đạo quốc tế Oxfam,
bà Anna MacDonald nói: “Hiệp ước này chắc chắn sẽ ngăn chặn một Syria
thứ hai nếu được thực thi đầy đủ. Đáng buồn là nó không thể cứu vãn hơn
80.000 người đã thiệt mạng vì xung đột ở quốc gia Trung Đông này nhưng
nó có thể ngăn chặn thảm kịch tương tự nhờ vào tiêu chí rõ ràng là các
nước không được chuyển giao vũ khí nếu ý thức được nguy cơ xảy ra tội ác
chiến tranh hay vi phạm nhân quyền”.
Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể
từ khi được 50 quốc gia trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc
phê chuẩn và đến nay hơn 60 nước khác đã ký thông qua Hiệp ước này. Tuy
nhiên, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và ít nhất 20 nước khác bỏ phiếu trắng đối
với việc thông qua Hiệp ước này, trong khi Syria, Iran, CHDCND Triều
Tiên và đặc biệt là Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, bỏ
phiếu phản đối. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết, chính
quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ sớm ký thông qua hiệp ước này ngay
khi bản dịch chính thức của Liên Hợp Quốc hoàn tất dù động thái này có
thể vấp phải sự phản đối trong nước./.
Theo VOVnews