Bản báo cáo dài 38 trang của các thanh sát viên đã được trình lên Hội
đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo đó nhóm nghiên cứu đã phân tích những
mẫu vật thu thập được ở Syria và tìm ra những bằng chứng rõ ràng thuyết
phục về chất hóa học sarin được sử dụng trong vụ tấn công ngày 21/8 gần
thủ đô Damascus. Báo cáo còn cho rằng khí độc sarin được phát tán trên
diện rộng bằng một loại tên lửa tầm ngắn.
"Đây là một trong những
báo cáo về vũ khí hóa học quan trọng nhất kể từ sau khi cựu Tổng thống
Iraq Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường ở
Halabja năm 1988. Bản báo cáo cũng xác nhận trường hợp sử dụng vũ khí
hóa học đầu tiên trong thế kỷ 21". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban
ki-Moon phát biểu: "Cộng đồng quốc tế cần phải có trách nhiệm đảm bảo
rằng vũ khí hóa học không trở thành một công cụ chiến tranh sau những gì
đã xảy ra ở Syria".
Ông Ban ki-Moon cho rằng cuộc tấn công
hóa học ở Syria đã vi phạm hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hóa học và là một
tội ác chiến tranh. Tuy nhiên cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc không bao
gồm việc xác định lực lượng nào đã sử dụng vũ khí hóa học. Ông Ban
ki-Moon cũng không cáo buộc chính phủ Syria hay lực lượng nổi dậy đứng
đằng sau vụ tấn công hóa học gần Damascus.
Nhóm nghiên cứu và
phân tích các mẫu vật thu được đã xác định được loại tên lửa được dùng
để phát tán lượng khí độc hóa học sarin. Một số nhà quan sát quốc tế cho
biết loại tên lửa này không nằm trong tay của lực lượng nổi dậy.
Đại
sứ Australia tại Liên Hợp Quốc, Gary Quinlan hiện đang nắm giữ vị trí
Chủ tịch Hội đồng Bảo an cho biết: "Theo quan điểm của chúng tôi và bản
báo cáo sau cuộc điều tra của các thanh sát viên, vũ khí hóa học chắc
chắn đã được sử dụng ở Syria".
Đại sứ Mỹ bà Samantha Power thì
cho rằng quan điểm của nước Mỹ không cho thấy vũ khí hóa học được sử
dụng bởi lực lượng nổi dậy. "Không có lý do gì lực lượng nổi dậy lại đột
nhập vào khu vực thuộc quyền kiểm soát của chính phủ và bắn tên lửa
chứa vũ khí hóa học vào chính khu vực các chiến binh nổi dậy đang chiến
đấu".
Phản ứng của phương Tây cho thấy các nước Anh, Pháp đều
tin rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đứng đằng sau vụ tấn
công hóa học trong khi Nga và Trung Quốc cho rằng lực lượng nổi dậy mới
là lực lượng sử dụng vũ khí hóa học.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin
nói rằng không thể đơn giản kết luận lực lượng nổi dậy không sử dụng vũ
khí hóa học. Ông Churkin đặt câu hỏi tại sao lực lượng nổi dậy không hề
báo cáo tổn thất trong cuộc tấn công hóa học ngày 21/8 đã khiến ít nhất
1400 người thiệt mạng.
Cuộc giao tranh ngày 21/8 đã trở
thành một cuộc tấn công hóa học chết chóc mà cả lực lượng nổi dậy và
quân đội chính phủ đều cáo buộc lẫn nhau. "Những người sống sót cho biết
sau một cuộc tấn công bằng pháo kich, họ nhanh chóng gặp phải các triệu
chứng khó thở, chóng mặt, buồn nôn và dị ứng ở mắt", Ông Ban ki-Moon
cho biết.
Thời tiết cũng góp phần làm tình hình trở nên tồi tệ
hơn. Nhiệt độ xuống thấp vào thời điểm cuộc tấn công cho phép không khí
dễ dàng thâm nhập và những tầng hầm của các tòa nhà, nơi những người
dân thường trú ẩn. Ông Ban ki-Moon cũng khẳng định các thanh sát viên đã
thực hiện nhiệm vụ điều tra và lấy mẫu vật tuân thủ theo những quy
trình nghiêm ngặt nhất.
Liên Hợp Quốc đã công bố bản báo cáo về cuộc
điều tra vũ khí hóa học ở Syria nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ không thực
hiện kế hoạch tấn công quân sự dù đã khẳng định quan điểm cho rằng chính
phủ Syria đứng sau vụ tấn công hoa học. Trước đó Nga và Mỹ đã đồng ý về
những điều khoản trong hiệp định ở Geneva. Theo hiệp định Geneva, Liên
Hợp Quốc sẽ hỗ trợ việc giám sát và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của
Syria từ nay cho đến giữa năm 2014./.
Theo thethaovanhoa