“Thỏa thuận này là bước đầu tiên, nhưng chưa phải là giải pháp cho cuộc
khủng hoảng Syria,” Khattar Abou Diab, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học
Paris-Sud bình luận. “Chúng ta vẫn phải chờ đợi chứng kiến bi kịch tiếp
tục ở dạng này hay dạng khác, khi sự chú ý đang tập trung vào vấn đề vũ
khí hóa học.”
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận Nga-Mỹ nhắm tới
việc loại bỏ các vũ khí hóa học ở Syria có thể là bước ngoặt cho cuộc
nội chiến, nhưng chưa mở đường cho việc giải quyết rốt ráo xung đột.
Thỏa thuận được công bố ở Geneva sau ba ngày đàm phán giữa Ngoại trưởng
Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, quy định kho vũ khí
hóa học của Syria sẽ chịu sự giám sát của cộng đồng quốc tế và bị hủy
toàn bộ từ giờ tới giữa năm 2014.
Thỏa thuận mà ông Abou Diab cho rằng “mong manh” sẽ thiết lập khung thời
gian để Damascus trao toàn bộ vũ khí hóa học của họ, nhưng không nói
chi tiết về việc các bên đang tham gia xung đột sẽ vượt qua các bất đồng
ra sao.
Thỏa thuận giữa Washington và Moskv, hai phía ủng hộ những phe phái đối
lập nhau trong cuộc xung đột, đã làm giảm khả năng về một cuộc tấn công
quân sự nhắm vào chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sau khi chính
quyền Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học sát hại hàng trăm người
gần Damascus vào ngày 21/8.
Hơn 110.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria kéo dài 30
tháng qua. Hơn một tháng trước, Mỹ và Nga đã nhất trí chuẩn bị một hội
nghị, “Geneva II”, để đưa các đại diện của chính quyền và phe nổi dậy
vào bàn đàm phán. Nhưng sáng kiến của họ bế tắc vì những bất đồng cơ
bản, nhất là liên quan tới việc ai sẽ đại diện cho các bên trong những
cuộc thương thuyết.
Phe đối lập chính Liên minh dân tộc khẳng định không đàm phán với chính
quyền Bashar al-Assad, trong khi Damascus nói Assad sẽ nắm quyền cho tới
cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2014.
Thỏa thuận mới cho chính phủ Syria một tuần để chuyển giao chi tiết về
kho vũ khí hóa học để tránh bị trừng phạt và đe dọa tấn công từ Mỹ. Thỏa
thuận cũng khẳng định phải cho phép các thanh sát viên vũ khí tiến hành
thanh kiểm tra 45 địa điểm mà Mỹ cho là có liên quan tới chương trình
vũ khí hóa học của Syria, được tiến hành từ giờ tới tháng 11.
Tuy nhiên, Olivier Lepick của Quỹ nghiên cứu chiến lược tại Paris nói
ông cho rằng mục tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria tới giữa năm 2014
“hoàn toàn tưởng tượng”. Thành viên của Liên minh dân tộc Samir Nashar
thì cho rằng trong khi thỏa thuận về vũ khí trên nguyên tắc sẽ mở đường
cho hướng đi tới hòa bình, vẫn còn những nghi ngờ về vai trò của ông
Assad sau đó.
Các thanh sát viên vũ khí hóa học ở Syria (Nguồn: AFP)
Liên minh dân tộc “rất nghi ngờ, và thậm chí từ chối tham gia Geneva II
nếu những kẻ đã tiến hành thảm sát không bị đưa ra xét xử”, Nashar nói
với AFP. Ông cũng cho rằng thỏa thuận Nga-Mỹ đã cho chính quyền Assad
“thêm không gian để xoay xở”.
Nhưng một quan chức cấp cao của Syria nói với AFP rằng thỏa thuận sẽ chỉ
mang lại hòa bình nếu như song song với nó là một cam kết cắt giảm
nguồn cung vũ khí cho quân nổi dậy được nước ngoài ủng hộ./.
Trần Trọng (Vietnam+)