Ngày 1/12, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề về nhân
đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cảnh báo Yemen đang đứng
trước bờ vực một thảm họa kinh khủng giữa lúc Liên hợp quốc đang nỗ lực
thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình cho quốc gia này.
Phát biểu sau khi kết thúc chuyến thăm tới Yemen, ông Lowcock cho biết
điều kiện sống tại đây đang xấu đi một cách đáng báo động so với chuyến
thăm trước đó của ông vào tháng 10/2017.
Ông cũng tái khẳng định Liên hợp quốc luôn sẵn sàng đóng góp vai trò để
đảm bảo cảng Hodeida, một cửa ngõ tiếp nhận hàng nhập khẩu và cứu trợ
quan trọng do phiến quân Houthi kiểm soát, sẽ luôn mở cửa.
Ông cũng lưu ý hiện chưa quá muộn để cứu vãn tình hình tại Yemen nhưng điều này đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ các bên.
Theo quan chức này, hiện chiến dịch cứu trợ nhân đạo của Liên hợp
quốc tại Yemen là chiến dịch lớn nhất nhưng có thể còn lớn hơn nhiều
trong năm 2019.
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, lực lượng ủng hộ chính phủ được quốc
tế công nhận tại Yemen đã tạm hoãn hầu hết các đợt tấn công trong chiến
dịch quân sự triển khai từ hồi tháng Sáu vừa qua để lấy lại quyền kiểm
soát thành phố cảng Hodeida.
Tuy nhiên, kể từ sau khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn mong manh vào hôm 13/11 vừa qua, đụng độ vẫn có lúc xảy ra.
Ngày 30/11, các cuộc đụng độ tại các địa điểm ở phía Đông và Nam của
Hodeida đã khiến 10 người, gồm 8 tay súng phiến quân và 2 tay súng thuộc
lực lượng ủng hộ chính phủ, thiệt mạng.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng chờ khám bệnh tại một bệnh viện ở tỉnh Hajjah, Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, người dân địa phương cho biết các cuộc đụng độ vẫn tiếp
diễn lẻ tẻ trong ngày 1/12. Saudi Arabia cáo buộc phiến quân Houthi
phóng một vật thể bay qua biên giới, trúng một ngôi nhà trên lãnh thổ
vương quốc Hồi giáo và làm 2 người bị thương.
Bạo lực tiếp dù trước đó đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Martin
Griffiths đã trực tiếp tới thành phố này để hối thúc các bên tham gia
hòa đàm.
Các cuộc hòa đàm Yemen, vốn đã đình trệ, dự kiến diễn ra tại Thụy Điển
vào tuần tới. Tuy nhiên, hôm 29/11, tương lai của vòng hòa đàm này lại
thêm một dấu hiệu không mấy tốt lành khi Tổng thư ký Liên hợp
quốc Antonio Guterres cho biết hòa đàm sẽ bắt đầu trong năm 2019 mà
không hề nhắc tới lịch trình là vào đầu tháng 12 như những thông tin
trước đó.
Cuộc hòa đàm hồi tháng Chín tại Geneva (Thụy Sĩ) đã không thể diễn ra
sau khi phái đoàn Houthi từ chối tham dự do lo ngại Liên hợp quốc không
thể đảm bảo an toàn cho phái đoàn này trở về Yemen sau đó.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân
Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah
Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi
được quốc tế công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng
đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của
Tổng thống Hadi, khiến xung đột leo thang.
Theo các số liệu của Liên hợp quốc, gần 10.000 người đã thiệt mạng kể từ sau khi liên minh Arab can thiệp.
Trong khi đó, khoảng 14 triệu người Yemen được cho là đang đối mặt với
nguy cơ bị đói khi nội chiến tiếp diễn. Số liệu của tổ chức nhân đạo
Save the Children cho biết có tới 85.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã chết vì
đói hoặc bệnh tật từ năm 2015 tại Yemen./.
(TTXVN)