Liên hợp quốc hôm 15/11 vừa qua đã kêu gọi các nước giàu trên thế giới gia tăng hỗ trợ tài chính nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tài chính là một chủ đề nóng được thảo luận tại các cuộc đối thoại về
khí hậu của UN hiện đang diễn ra tại thành phố Marrakesh, Maroc.
Năm 2009, các nước giàu cam kết từ năm 2020 sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ
USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí
hậu.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), chi phí để các nước
đang phát triển có thể thích ứng với biến đổi khí hậu ước lên đến
140-300 tỷ USD vào năm 2030.
Tới năm 2050, mức này có thể tăng thành 280-550 tỷ USD, cao hơn 5 lần mức dự tính trước đây.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những cam kết hỗ trợ
tài chính của các nước giàu chỉ riêng trong năm 2015 cũng giúp tăng số
tiền tài trợ của lĩnh vực công dành cho vấn đề khí hậu từ mức 41 tỷ USD
năm 2013-2014 lên mức 67 tỷ USD vào năm 2020.
Ngày 15/11, 42 quốc gia cũng đã ký kết Đối tác NDC (Đóng góp quốc gia tự
quyết định) nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong việc thực thi Hiệp
định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Kế hoạch này do Maroc và Đức khởi xướng, với mục đích hỗ trợ các quốc
gia đang phát triển tiếp cận hiệu quả kiến thức kỹ thuật cũng như hỗ trợ
tài chính cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.
(TTXVN)