Mục tiêu của Hội nghị Đại dương lần đầu tiên được Liên hợp quốc tổ chức này là nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà các đại dương đang phải đối mặt, từ hiện tượng tẩy trắng san hô đến ô nhiễm nhựa, đánh bắt cá quá mức và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Ngày 5/6, Hội nghị Đại dương đã được khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York của Mỹ với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ 193 quốc gia thành viên.
Mục tiêu của Hội nghị Đại dương lần đầu tiên được Liên hợp quốc tổ chức này là nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà các đại dương đang phải đối mặt, từ hiện tượng tẩy trắng san hô đến ô nhiễm nhựa, đánh bắt cá quá mức và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích Trái Đất, song tình trạng ô nhiễm môi trường, đánh bắt cá bừa bãi và những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng tới "sức khỏe" của các đại dương.
Ông dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy đến năm 2050, lượng chất thải nhựa dưới biển có thể vượt cả số lượng cá.
Tổng thư ký cũng cảnh báo về những mối nguy cơ từ mực nước biển tăng như đại dương ấm lên khiến nước biển nhiều acid hơn, dẫn đến hiện tượng tẩy trắng san hô và làm sụt giảm sự đa dạng sinh học.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh trong bối cảnh nêu trên, hội nghị là cơ hội để các quốc gia có hành động dứt điểm để bảo vệ kế sinh nhai của hành tinh.
Ông kêu gọi các quốc gia thực thi Mục tiêu phát triển bền vững số 14 để làm sạch hành tinh với những bước đi cụ thể, trong đó điều đầu tiên là chấm dứt sự tách biệt giữa nhu cầu kinh tế và sức khỏe của biển. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên biển phải là "hai mặt của một đồng xu."
Thứ hai là cần thúc đẩy sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và các mối quan hệ đối tác mới, dựa trên khuôn khổ luật pháp hiện hành.
Các quốc gia cần có những bước đi cụ thể, từ mở rộng các khu vực biển được bảo vệ tới quản lý việc đánh bắt cá, từ giảm bớt tình trạng ô nhiễm tới dọn sạch rác thải nhựa.
Thứ ba là cần phải biến quyết tâm chính trị của Chương trình nghị sự 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự Hành động Addis Ababa thành những cam kết tài trợ kinh phí.
Thứ tư là cần phải làm sâu sắc hơn nền tảng tri thức, với các số liệu, thông tin, và phân tích tốt hơn.
Cuối cùng là cần phải chia sẻ các tập quán và kinh nghiệm. Hầu hết các giải pháp hiện đều mang tính địa phương, song nhiều giải pháp có thể được phổ biến rộng rãi.
Dự kiến, Hội nghị Đại dương, diễn ra từ ngày 5-9/6 tới, sẽ thông qua tuyên bố về việc hình thành bản “Kêu gọi Hành động” hỗ trợ triển khai thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững 14 của Liên hợp quốc và một báo cáo bao gồm những tóm tắt của các đồng chủ tịch về những đối thoại của các hiệp hội.
Ngoài ra, một danh sách những cam kết tự nguyện thực hiện Mục tiêu 14 cũng sẽ được công bố tại hội nghị./.
TTX