“Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV/AIDS nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn phải vượt qua. Điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung các nguồn lực quý báu của quốc gia vào ba ưu tiên: Đúng người, đúng chỗ và mở rộng các chương trình can thiệp có hiệu quả nhất,” Tiến sỹ Kristan Schoultz, Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS - UNAIDS Việt Nam và Chủ tọa Nhóm phối hợp chương trình về HIV của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu.
Tiến sỹ Kristan Schoultz cho biết thêm, đúng người nghĩa là nhắm đúng vào các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, gồm người tiêm chích ma túy và bạn tình của họ; người mua và người bán dâm; những người nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là tại các khu vực có tỷ lệ người nhiễm HIV cao trong cả nước và cung cấp cho họ những dịch vụ có ích nhất trong việc giảm lây nhiễm HIV, như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, dịch vụ xét nghiệm và điều trị kháng HIV.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở rộng đáng kể chương trình điều trị kháng HIV và giảm được nhiều ca nhiễm mới. Dịch HIV đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục giữ ở mức báo động. Tính đến cuối năm 2012, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy ở Việt Nam là 11%, nhưng ở một vài thành phố lớn có đến hơn một nửa số nam giới tiêm chích ma túy là người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trên toàn quốc trong nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%. Các bằng chứng hiện có cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang tăng lên, và nhóm này sẽ ngày càng lớn hơn trong tổng số người sống với HIV tại Việt Nam.
Việt Nam đã và đang tìm kiếm các hướng tiếp cận mới để đưa các dịch vụ về HIV đến gần hơn với những người có nhu cầu lớn nhất, thông qua việc tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có những người sống với HIV. Trên thế giới đã có những sáng kiến mới tập trung vào việc chẩn đoán và khởi đầu điều trị kháng HIV sớm hơn. Liên Hợp Quốc khuyến khích tiếp tục mở rộng các sáng kiến này để tối ưu hóa hiệu quả và tác động của các nguồn lực trong nước đầu tư cho phòng, chống AIDS khi các nguồn viện trợ nước ngoài đang giảm dần.
Cũng nhân kỷ niệm lần thứ 25 ngày Thế giới phòng, chống AIDS, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao tới các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. Việc này có thể thực hiện được thông qua củng cố sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các nhóm cộng đồng; khuyến khích triển khai các chiến lược tư vấn và xét nghiệm HIV một cách chủ động và đơn giản hóa, tối ưu hóa những lợi ích về cả điều trị và dự phòng của điều trị kháng HIV (ART).
Tiến sỹ, Bác sỹ Takeshi Kasai, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, ứng phó quốc gia với HIV đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Việt Nam cần mở rộng các hướng tiếp cận mới và sáng tạo để tiếp tục duy trì được đà phát triển của các hoạt động phòng chống AIDS và tiến xa hơn nữa. Ông cho biết: “Chúng ta giờ đã biết rằng điều trị có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Với việc thúc đẩy hơn nữa tiếp cận sớm đến chẩn đoán và điều trị kháng HIV, Việt Nam sẽ giảm được thêm nhiều hơn nữa các ca nhiễm mới và trường hợp tử vong do AIDS.”
Trong khi đó, kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và sinh kế bền vững cho người sống với HIV đang là những rào cản lớn trong việc tiếp cận tới các dịch vụ về HIV. Một nghiên cứu mới công bố trước thềm ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy việc làm là một yếu tố thiết yếu để duy trì và tuân thủ tốt điều trị kháng HIV. Bản báo cáo có tên “Tác động của việc làm đối với tuân thủ điều trị kháng HIV ”, cho thấy những người nhiễm HIV có việc làm tuân thủ điều trị tốt hơn gần 40% so với những người không có việc làm. Tuân thủ điều trị kháng HIV tốt hơn có liên quan đến việc có nguồn tài chính thường xuyên để chi trả cho các dịch vụ y tế liên quan, mua thuốc, dịch vụ hỗ trợ và mua đủ thực phẩm cho các bữa ăn.
Tiến sỹ Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đánh giá: Việc làm và môi trường nơi làm việc rất quan trọng đối với việc tuân thủ tốt điều trị kháng HIV. Trong môi trường làm việc, cần phải xóa bỏ kỳ thị đối với những người lao động nhiễm HIV. Một số người nhiễm HIV không dám công khai tình trạng nhiễm của mình do lo sợ bị kỳ thị và vì thế họ không tham gia điều trị ART. Một số người khác uống thuốc không đều do lo sợ bị đồng nghiệp nhìn thấy họ uống thuốc tại nơi làm việc./.
TT