Lỗi hệ thống và lỗi cá nhân
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thống kê hàng
năm nước Mỹ có khoảng 100.000 người bệnh chết do lỗi lầm của tai biến y
khoa. Nước Úc – một nước có nền y tế phát triển mạnh, theo nghiên cứu
năm 1990, có đến 18.000 người Úc thiệt mạng, 5000 người bị thương tật
vĩnh viễn do những lỗi lầm do bệnh viện gây ra. Lúc bấy giờ dân số Úc
mới chỉ là 17 triệu dân.
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào thống kê cụ thể, tuy nhiên tỷ lệ
tai nạn nghề nghiệp là 7%. Ước tính có khoảng 67 nghìn bệnh nhân bị tai
biến y khoa, 15.300 bệnh nhận bị thương tật vĩnh viễn hàng năm, con số
tử vong do tai biến y khoa chiếm 5% con số tử vong của cả nước.
Thứ trưởng cũng cho rằng, trong khám chữa bệnh, rủi ro y khoa là khó
tránh khỏi và không ai mong muốn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những
tai biến y khoa, mà hiện nay ngành y đang dần dần khắc phục.
Phân tích cụ thể hơn, GS.TS Bùi Đức Phú – Giám đốc Bệnh viện ĐK Trung
ương Huế cho rằng, tai biến trong y khoa do hai nhóm nguyên nhân. Thứ
nhất là do lỗi hệ thống: lãnh đạo không đưa an toàn bệnh nhân lên hàng
đầu, thiếu các chương trình quản lý an toàn người bệnh, huấn luyện, giám
sát, trang thiết bị không đầu tư. Thứ hai là lỗi cá nhân, chẳng hạn như
thiếu kiến thức, kỹ năng, kỷ luật.
Trong đó, GS.TS Bùi Đức Phú nhấn mạnh đến việc quá tải là một trong
những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sai sót trong y khoa. “Việc hai đến
ba bệnh nhân nằm điều trị trên một giường bệnh ở nhiều BV hiện nay sẽ
gây áp lực rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Bình thường, một ngày
tám tiếng bác sĩ chỉ khám 32 bệnh nhân, nhưng vì quá tải nên phải tăng
gấp hai, gấp ba. Như vậy thời gian khám chữa bệnh, trao đổi, tư vấn của
bác sĩ đối với bệnh nhân sẽ bị rút ngắn, các bác sĩ rất khó có thể có
thời gian làm đúng theo quy trình KCB”, bác sĩ Phú nói.
Bên cạnh đó, quá tải BV còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong BV,
không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn cũng có thể là nguyên nhân
dẫn đến tai biến y khoa. Theo khảo sát, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại một số
bệnh viện là 3 đến 7%, đây là con số chưa tính trên toàn quốc. Nhiễm
khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng và tử vong, kéo
dài thời gian và tăng chi phí điều trị, càng ngày càng dẫn tới những
bệnh khó điều trị do xuất hiện nhiều vi khuẩn đa kháng kháng sinh.
Theo Bác sĩ CKII Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc BV Sản nhi Ninh Bình cũng đồng
quan điểm với bác sĩ Phú về việc quá tải bệnh viện, thiếu nhân lực,
trang thiết bị… là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Kỳ cũng thừa nhận: “Không thể phủ nhận những tai biến
xảy ra do sự sai sót, thiếu chuyên nghiệp của một số bác sĩ”.
Từ đó, bác sĩ Phạm Cầm Kỳ cho rằng, thực tế đầu vào của các trường Y
luôn cao, nhưng không phải trường Y nào cũng như vậy, có trường chỉ hơn
điểm sàn một chút. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ Y tế phải đưa ra những câu chuyện về kiểm soát đầu vào, đánh giá,
kiểm tra chất lượng sinh viên trong quá trình đào tạo cũng như khi ra
làm công tác khám chữa bệnh.
Cũng bàn về vấn đề này, GS.TS Bùi Đức Phú đánh giá: “Nhìn lại hệ
thống đào tạo y, bác sĩ của chúng ta, các sinh viên được đào tạo trong
sáu năm đã ra trường hành nghề, trong khi một bác sĩ nước ngoài phải mất
15 năm đào tạo liên tục. Kiến thức, kỹ năng phải đi kèm với nhau, trong
đó phải nhấn mạnh đến yếu tố kỷ luật và chuyên nghiệp”.
“Biết mình biết ta”
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã đưa ra những giải pháp để nhằm hạn chế tai biến y khoa.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, không thể đòi hỏi một bác
sĩ có thể điều trị được hết các loại bệnh nhưng quan trọng nhất bác sĩ
đấy phải “biết mình biết ta”. “Người bác sĩ phải tự xem xét năng lực của
mình có thể chẩn đoán và chữa được không, nếu chưa đủ kinh nghiệm thì
nên chuyển đến bác sĩ có kinh nghiệm hơn để tránh sai sót”, Thứ trưởng
nói.
Thứ trưởng cũng cho rằng, cần tập trung vào rà soát các chuyên khoa
hay xảy ra tai biến để tập trung tìm nguyên nhân và khắc phục. Chẳng hạn
như hiện nay số lượng trẻ sơ sinh tử vong cao nhất thì cần tập trung
đầu tư, chăm sóc trẻ dưới một tuổi.
GS.TS Bùi Đức Phú thì cho rằng, cần xây dựng được quy trình tư vấn,
tiếp xúc với bệnh nhân, quy chuẩn hành nghề thì những vấn đề xảy ra tai
biến sẽ hạn chế đi rất nhiều.
Bên cạnh đó nên xây dựng tổ chức văn hóa an toàn cho người bệnh, mỗi
thành viên thể hiện vai trò chủ động với sự hỗ trợ của tổ chức. Xây dựng
văn hóa an toàn người bệnh dựa trên bảy yếu tố: Ưu tiên an toàn, người
bệnh là hàng đầu; công bằng; dân chủ, tham gia hành động an toàn người
bệnh; làm việc, hoạch định, giám sát theo nhóm; thực hành y học tân
tiến; đầu tư trang thiết bị phục vụ an toàn người bệnh.
Tuy vậy, để thực hiện những giải pháp trên thì cần có lộ trình và
thời gian lâu dài. Trong khi đó vấn đề tai biến y khoa vẫn xảy ra hàng
ngày, hàng giờ. Nhiều ý kiến cho rằng, thái độ thờ ơ, thiếu quan tâm,
lạnh lùng của các y, bác sĩ khi khám chữa bệnh chính là nguyên nhân dẫn
đến những xung đột, khiến việc hòa giải kéo dài dai dẳng. Nếu trước đó,
các bác sĩ tận tình với bệnh nhân, thì khi tai biến xảy ra người nhà
cũng sẽ thông cảm và chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, mỗi khi có tai biến y khoa sẽ lập
các hội đồng chuyên môn đứng ra phân định đúng - sai. Tuy nhiên, hội
đồng chuyên môn và cơ quan liên quan đến tai biến đều thuộc Bộ Y tế nên
dễ khiến người nhà nghi ngại kết quả thẩm định. Vì vậy, có ý kiến cho
rằng nên có hội nghề nghiệp, hội có quyền cấp phép hành nghề cho hội
viên và rút phép hành nghề nếu thầy thuốc làm không tốt, khi có tai biến
hội là trọng tài phân xử thì mới minh bạch./.
An Nguyên (Nhân Dân)