Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/3, người phát ngôn
Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết chỉ còn khoảng 40 nhân viên của tổ
chức này tiếp tục ở lại Cộng hòa Trung Phi để hỗ trợ người dân các
dịch vụ y tế thiết yếu và sơ tán.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trẻ em ở
Cộng hòa Trung Phi đang phải đối mặt với nguy hiểm ngày càng tăng sau khi
hàng nghìn trẻ em nước này phải đi sơ tán trong điều kiện không được
cung cấp các dịch vụ cơ bản.
Trước đó, ngày 24/3, phiến quân Seleka đã chiếm thủ đô Bangui, giết
hại ít nhất 13 binh sỹ Nam Phi và buộc Tổng thống Francois Bozize phải lưu
vong. Thủ lĩnh phiến quân Michel Djotodia ngày 25/3 tuyên bố đình chỉ Hiến pháp
và giải tán quốc hội cũng như chính phủ nước này.
Phát biểu với báo giới, thủ lĩnh Djotodia nói rằng trong giai đoạn chuyển
giao, ông ta sẽ điều hành đất nước bằng các sắc lệnh cho đến khi tổ chức bầu cử
trong vòng ba năm tới. Ông Djotodia cũng không loại trừ khả năng ra ứng cử trong
cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2016.
Trong diễn biến mới nhất, chính phủ tạm quyền của phiến quân
dường như đang nỗ lực chấm dứt tình trạng cướp bóc lan tràn trên các
đường phố ở Bangui sau khi lực lượng này chiếm giữ thủ đô.
Tướng
Moussa Mohammed Dhaffane - một trong năm bộ trưởng của lực lượng phiến
quân Seleka trong chính phủ đoàn kết dân tộc, trong khi trực tiếp tham
gia các cuộc truy lùng trên đường phố ngày 27/3 đã tuyên bố "không dung
túng cho những kẻ cướp bóc."
Trong khi đó, tại Nam Phi, Liên minh Dân chủ đối lập ngày 26/3 đã yêu
cầu quốc hội mở cuộc điều tra về tính hợp pháp của quyết định của chính
phủ đưa quân vào Cộng hòa Trung Phi dẫn đến việc 13 binh sỹ nước này bị
giết hại nói trên.
Vào tháng một vừa qua, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã quyết định
triển khai 400 binh sỹ đến Cộng hòaTrung Phi để giúp quân đội nước này
theo một thỏa thuận song phương, tuy nhiên trên thực tế chỉ có 200 binh
sỹ Nam Phi được triển khai./.
Theo TTXVN