Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 24/3/2013 21:31'(GMT+7)

Những toan tính đằng sau lời xin lỗi

Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (giữa) và Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-ni-a-hu (thứ hai, bên phải) tại sân bay Ben Gurion ở Ten A-víp. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (giữa) và Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-ni-a-hu (thứ hai, bên phải) tại sân bay Ben Gurion ở Ten A-víp. (Ảnh: AFP)

Phát biểu với báo giới tại thủ đô An-ca-ra hôm 23/3, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông T. Éc-đô-găng (T. Erdogan) hoan nghênh việc Thủ tướng I-xra-en B. Nê-tan-ni-a-hu (B. Netanyahu) chính thức xin lỗi về vụ việc trên. Ông nhấn mạnh, I-xra-en đã đáp lại yêu cầu lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ. “I-xra-en đã đồng ý xin lỗi và bồi thường. Điều duy nhất trước đây mà họ không chấp nhận là lệnh phong tỏa. Giờ đây, trong tiến trình này, họ đã đồng ý dỡ bỏ cấm vận và chúng tôi coi việc I-xra-en hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhằm thúc đẩy các thỏa thuận với Pa-le-xtin”, ông Éc-đô-găng cho biết.

Thủ tướng Nê-tan-ni-a-hu và Thủ tướng Éc-đô-găng đã nhất trí bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong đó có việc cử lại đại sứ và hủy bỏ các vụ kiện pháp lý nhằm vào binh sĩ I-xra-en. Hai bên cũng đồng ý hoàn tất thỏa thuận bằng việc bồi thường cho gia đình những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công trên. Ngoài ra, phía I-xra-en cũng đã dỡ bỏ vài hạn chế đối với việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa tới lãnh thổ Pa-le-xtin, kể cả ở Ga-da.

Trước đó cùng ngày, một thông báo được Nhà Trắng công bố chỉ vài phút trước khi ông Ô-ba-ma kết thúc chuyến thăm I-xra-en, cho biết Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-ni-a-hu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Éc-đô-găng đã có cuộc trao đổi qua điện thoại. Theo các quan chức Nhà Trắng trên chuyên cơ Air Force One, Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-ni-a-hu đã gọi cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Éc-đô-găng trước sự chứng kiến của ông Ô-ba-ma trong một phòng họp kín ở sân bay Ben Gurion những phút cuối trước khi Tổng thống Mỹ lên đường đến Gioóc-đa-ni tiếp tục chuyến công du Trung Đông. Văn phòng Thủ tướng I-xra-en cũng xác nhận: "Ông Nê-tan-ni-a-hu đã xin lỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ về những sai lầm dẫn đến chết người".

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - I-xra-en bị rạn nứt nghiêm trọng kể từ tháng 5/2010, khi 9 người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lính đặc nhiệm I-xra-en bắn chết trong một cuộc vây ráp đoàn tàu quốc tế chở hàng viện trợ nhân đạo vào dải Ga-da, bất chấp lệnh phong tỏa đường thủy của I-xra-en. Chính quyền I-xra-en đã thừa nhận họ đã có sai sót trong việc thu thập tin tức tình báo và lên kế hoạch, nhưng khẳng định rằng các lính đặc nhiệm đã phải nổ súng do các nhà hoạt động nhân đạo tấn công họ. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân đạo nói rằng, lính I-xra-en đã nổ súng ngay khi họ tràn lên con tàu, khi đó vẫn đang ở vùng lãnh hải quốc tế. Vụ việc này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ cộng đồng quốc tế và khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en tan vỡ.

Nhận định về diễn biến tích cực trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en, ông A. Li-en (A. Liel), trước đây là một nhà ngoại giao I-xra-en tại Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ tin tưởng rằng đây là yếu tố “then chốt” góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en đều lo ngại về những bất ổn sẽ nổi lên nếu Tổng thống Xy-ri ra đi. Bên cạnh đó, vấn đề năng lượng cũng đóng vai trò quan trọng. I-xra-en cần xuất khẩu khí ga và các loại năng lượng khác cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần nó”.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, việc thiết lập lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là cực kỳ cần thiết đối với I-xra-en trong bối cảnh hiện nay. Nó có thể thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực nhằm ngăn chặn cuộc nội chiến ở Xy-ri lan ra khu vực và giảm bớt thế cô lập ngoại giao của I-xra-en tại Trung Đông, giữa lúc nhà nước Do Thái đang đối mặt với các thách thức từ chương trình hạt nhân của I-ran.

Ngày 23/3, Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-ni-a-hu cho biết, những quan ngại về sự an toàn của kho vũ khí hóa học của Xy-ri là nhân tố thúc đẩy việc khôi phục các mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Viết trên trang mạng xã hội facebook, ông Nê-tan-ni-a-hu cho rằng, I-xra-en và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước cùng có đường biên giới với Xy-ri, cần liên lạc với nhau về vấn đề này. Theo ông, "cuộc khủng hoảng" Xy-ri và khả năng các nhóm cấu kết với Tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda có thể giành được vũ khí hóa học là "sự cân nhắc chính" trong việc khôi phục các mối quan hệ.

Trong khi đó, Báo Người bảo vệ của Anh nhận định, việc I-xra-en và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục lại quan hệ ngoại giao sau gần 3 năm "làm mặt lạnh" với nhau đã giúp Oa-sinh-tơn thoát khỏi thế khó xử khi hai đồng minh gần gũi ở Trung Đông hục hặc. Ngoài ra, đối với Tổng thống Mỹ, thành công trong vai trò trung gian hòa giải này đã mang lại cho ông Ô-ba-ma thắng lợi về ngoại giao trong chuyến công du tới I-xra-en và các vùng lãnh thổ của người Pa-le-xtin, nơi ông đã không thể công bố được kế hoạch nào nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình đã bị ngưng trệ từ gần ba 30 năm qua.

Vì thế, lời xin lỗi của Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-ni-a-hu dù có chậm đến gần 3 năm, nhưng xem ra có lợi cho toan tính của Mỹ, I-xra-en và cả Thổ Nhĩ Kỳ./.

Ngọc Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất