Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 10/1/2013 17:30'(GMT+7)

Liên kết trong phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Tham dự cuộc họp có Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.

Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ thành lập với chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng kinh tế trọng điểm, làm đầu tàu phát triển cả nước và chỉ đạo một số vấn đề cụ thể như: liên kết vùng, xây dựng hạ tầng, môi trường, phát triển nguồn nhân lực.

Hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm (phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long) với 24 tỉnh, thành, có tổng diện tích gần 90.400 km2, dân số 43,7 triệu người; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu của các vùng kinh tế trọng điểm chiếm xấp xỉ 90% của cả nước. Các vùng kinh tế trọng điểm có 172/233 khu kinh tế, khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 88%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, năm 2012, công tác điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm tập trung vào tổng kết giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015, tổng hợp đề xuất gồm 131 đề án, dự án của các Bộ, ngành và 24 địa phương trong 4 vùng kinh tế trọng điểm, cùng các công việc liên quan đến hoàn chỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.

Rà soát các đề xuất trên, Văn phòng Ban chỉ đạo đã đưa ra các nguyên tắc ưu tiên để lựa chọn những đề án, dự án trọng điểm, cấp bách, có tính vùng hoặc liên vùng để đưa vào chương trình kế hoạch điều phối giai đoạn 2013 – 2015; đồng thời có hướng dẫn để các Bộ, ngành và địa phương sắp xếp, bố trí, cân đối nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, hình thức PPP.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2015 tập trung điều phối 2 đề án xử lý môi trường, 5 đề án giáo dục, đào tạo và công nghệ, 27 dự án giao thông (14 đường cao tốc, 3 cảng biển, 2 sân bay,…), 5 dự án tài nguyên môi trường (1 dự án chống ngập, 1 dự án phòng chống giảm nhẹ thiên tai và 3 dự án xử lý chất thải rắn), 3 dự án khu công nghệ cao.

Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung đánh giá tình hình triển khai cơ chế, chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm thời gian qua, đặc biệt là công tác điều phối, phối hợp giữa các địa phương, giữa các vùng trong bức tranh kinh tế - xã hội tổng thể.

Cơ bản tán thành với đánh giá và kế hoạch triển khai công tác điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, định hướng công tác điều phối tập trung vào các giải pháp phát triển đột phá, mang tính liên kết cao giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tránh tình trạng chồng chéo, dẫm chân nhau trong quy hoạch, dự án giữa các vùng, các địa phương.

Trước yêu cầu vốn đầu tư rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương sắp xếp đề án, dự án theo thứ tự ưu tiên để triển khai. Ban chỉ đạo thực hiện điều phối, xử lý những vấn đề thuộc phạm vi “giáp ranh”, những vướng mắc trong quy hoạch để công tác điều phối, cũng như để các dự án có tính khả thi, hiệu quả trên thực tế. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét ban hành quy chế về điều phối, quy định rõ những vấn đề, dự án cụ thể.

Về kế hoạch điều phối giai đoạn 2013-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát lại, nhất là các đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Các vùng và địa phương tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, liên kết trong triển khai các dự án, đề án cụ thể.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý một số lĩnh vực tồn tại như chất thải rắn, chất thải nguy hại; một số dự án, chương trình như cảng biển, sân bay, đường giao thông… và yêu cầu các Bộ liên quan đề xuất cách giải quyết, ban hành hướng dẫn triển khai và thu hút vốn đầu tư.

Nguyên Linh - Chinhphu.vn


Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất