Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 19/2 thông báo thỏa thuận
nhằm giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được sự ủng hộ của tất
cả 28 nhà lãnh đạo các nước thành viên.
Ông Tusk viết trên mạng Twitter: “Đã xong. Tất cả đều ủng hộ giải pháp mới cho vấn đề #UkinEU (Anh ở lại EU).
Một số nhà lãnh đạo EU cũng nói rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận về
một gói các biện pháp để cải cách mối quan hệ của Anh với EU tại cuộc
họp thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ).
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tai Brussels, sau cuộc thảo luận kéo
dài tại bữa tối để bàn về cuộc khủng hoảng nhập cư, Chủ tịch Hội đồng
châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã
tiến hành gặp gỡ song phương với nhiều lãnh đạo các quốc gia thành viên
để nắm bắt quan điểm, thảo luận với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng
thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Thủ tướng
Séc Bohuslav Sobotka.
Các cuộc gặp song phương và công việc của các chuyên gia tiến triển tốt
nhằm đạt được văn bản thỏa hiệp, trong đó những yêu cầu của Bỉ được chú
ý.
Như vậy, không có bất cứ quyền phủ quyết nào được trao cho các quốc gia
không phải thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để
phong tỏa những quyết định mà họ không đồng ý.
Điều khoản "tự hủy hoại" khiến thỏa thuận bị vô hiệu hóa trong trường
hợp chiến thắng của phái nói "không" tại cuộc trưng cầu ý dân mà Thủ
tướng Cameron hứa hẹn tiến hành vào cuối tháng Sáu tới sẽ được sử dụng
và một giải pháp được tìm ra để thúc đẩy đồng thời khái niệm "châu Âu
luôn luôn chật hẹp" và sự nhạy cảm của Anh.
Tại phiên họp đầu tiên diễn ra tối 18/2, ông Cameron đã tuyên bố trước
27 thành viên EU rằng một thỏa thuận mang tính tin cậy sẽ có tính thuyết
phục cao người dân Anh bỏ phiếu ở lại EU.
Ngay cả nếu các cử tri Anh vẫn bị chia rẽ thì viễn cảnh của một "Brexit"
cũng làm Liên minh rung chuyển, vốn đang bị lung lay bởi cuộc khủng
hoảng nhập cư chưa từng có kể từ sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Vì
vậy, một số nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng để ngăn nguy cơ "Brexit,"
một sự ra đi đầy thảm họa đối với toàn EU.
Ngay trong cuộc họp, Hy Lạp đe dọa phong tỏa thỏa thuận với Thủ tướng
Cameron nếu như các đối tác châu Âu khác đóng cửa biên giới trước khi
diễn ra Hội nghị Thượng định thu hẹp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề
nhập cư, dự kiến vào đầu tháng Ba tới.
Do hơn 1 triệu người nhập cư và tị nạn đã tràn vào châu Âu hồi năm ngoái
đã khiến một số quốc gia Đông Âu áp dụng việc hạn chế đi lại ở biên
giới nước họ khi cho rằng Athens không có khả năng kiểm soát dòng người
nhập cư.
Yêu cầu của Thủ tướng Cameron là chấm dứt trợ cấp xã hội cho lao động
châu Âu làm việc ở Anh không phải trong thời gian 4 năm như đề nghị ban
đầu mà trong 13 năm đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia Đông Âu
khi hàng nghìn công dân các nước này đang tới Anh làm việc.
Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cho rằng những đề xuất của Anh mang tính
phân biệt đối xử. Ý kiến này cũng được Ba Lanm Hungary, Slovakia ủng hộ.
Một số quốc gia khác như Bỉ và Pháp tỏ ra dè dặt trước đề nghị của Anh
vì cho rằng nó sẽ làm yếu việc điều hành kinh tế của Eurozone.
"Cần phải có một quy định tài chính có giá trị đối với tất cả mọi nơi ở
châu Âu và không được có quyền phủ quyết hoặc cản trở để chúng ta chống
lại việc đầu cơ, khủng hoảng tài chính ở khắp mọi nơi với các cơ quan
tương tự," Tổng thống François Hollande tuyên bố tại phiên họp sáng
19/2.
Diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/2 ở thủ đô Brussels, Hội nghị Thượng đỉnh
EU lần này được coi là gay cấn nhất với 2 chủ đề nóng là vấn đề nhập cư
và những yêu cầu của Anh về việc Anh sẽ rời hay ở lại EU./.
(TTXVN)