Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 24/9/2008 9:58'(GMT+7)

Liên tiếp xảy ra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: Lỗ rò quản lý và bài học trên giấy

Rồi đây, sẽ là thực phẩm nào tiếp tục được “điểm mặt, chỉ tên”? - một câu hỏi khó với người tiêu dùng và cũng không dễ đối với nhà quản lý.  

 “Lỗ hổng” quản lý

Trao đổi với báo chí ngày 23-9, một lãnh đạo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết:  để cấp phép cho một sản phẩm sữa, Cục chủ yếu dựa trên công bố của nhà nhập khẩu chứ rất khó tiến hành kiểm tra, xét nghiệm xem những gì được nêu trong công bố đó có đúng sự thật hay không, vì thiếu cả trang thiết bị lẫn người thực hiện. Cục cũng không nắm rõ nguồn gốc nguyên liệu để sản xuất sữa, có lẽ bởi việc kiểm duyệt do cơ quan chức năng khác đảm nhiệm. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cũng nhận định, hệ thống quản lý cần phải cải tiến lại. Việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phải song song với tiền kiểm, hậu kiểm, giám sát trên thị trường. Về lâu dài, Bộ Y tế phải xây dựng những labo đủ tiêu chuẩn, dự trữ chất chuẩn để giám sát chủ động chứ không chạy theo vụ việc như hiện nay. 
 

Ngày 23-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã ký quyết định thành lập hai đoàn thanh tra liên ngành phía Nam và phía Bắc, có nhiệm vụ thanh tra đột xuất về VSATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa, sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa tại  các tỉnh, thành.
 
Khi phát hiện các trường hợp sai phạm sẽ xử lý theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP và các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, Trưởng đoàn thanh tra có thể áp dụng các hình thức phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết. 
Với quy trình cấp phép rất đơn giản như đã dẫn ở trên, rõ ràng hàng rào quản lý đang có “lỗ hổng”, vô tình tạo điều kiện cho phía kinh doanh “lách”. Với quy trình ấy, người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: với hơn 370 loại sữa bột ngoại nhập dành cho trẻ dưới 2 tuổi đang lưu hành trên thị trường, mà như ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVSTP khẳng định (ngày 22-9) là đã được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm và chưa có sản phẩm nào chính thức được nhập khẩu từ Trung Quốc (tuy nhiên, một cán bộ của Cục chiều ngày 23-9 cho biết không chỉ có sản phẩm sữa Yili, mà đã có tới 11 loại sữa Trung Quốc khác được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam), ai dám chắc nguyên liệu của nó không có xuất xứ từ Trung Quốc, nơi đang náo động vì loại sữa gây bệnh tật cho trẻ?  

Khi chưa thể có câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý, chúng tôi đi tìm câu trả lời trực tiếp từ một số đơn vị nhập khẩu, sản xuất các mặt hàng sữa được nhiều người tiêu dùng sử dụng như Abbott, Mead Johnson, Anco (mua lại của tập đoàn Néstle trước đây)... Tuy nhiên, cũng chỉ có ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng phòng Công nghệ của Công ty cổ phần thực phẩm Anco thẳng thắn cho biết (vào 11h27 phút sáng 23-9) nguồn nguyên liêu chính để sản xuất ra các sản phẩm sữa của Anco, là sữa bột và bơ sữa, đều được nhập khẩu từ New Zealand, còn sữa tươi thì thu mua từ Ba Vì (Hà Nội). Sữa,  sau khi thu mua được kiểm nghiệm nghiêm ngặt bằng thiết bị hiện đại (máy ChamII - máy duy nhất tại Việt Nam) rồi mới đưa vào sản xuất... 

Nhà sản xuất, kinh doanh báo cáo là vậy, nhưng ngay sau đó chỉ vài giờ đồng hồ, chúng tôi nhận được thông tin đoàn thanh tra liên ngành Hà Nội đã kiểm tra tại Cty cổ phần thương mại và công nghệ thực phẩm Hoàng Lâm (Hà Nội). Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 25 tấn kem không sữa xuất xứ Trung Quốc, hiện chưa có công bố và chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Theo giải trình của Cty, thì từ   năm 2007, Cty đã nhập 42 tấn sữa nguyên kem từ Cty Weihai Jinbao Dairying (Trung Quốc). Vào tháng 1-2008,  Cục ATVSTP đã yêu cầu Cty làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, nhưng Cty đã không làm thủ tục công bố mà bán hết 42 tấn sữa ra thị trường.

Đáng nói hơn, trong số đó có 18 tấn sữa được bán cho Cty Anco, số còn lại bán cho một số doanh nghiệp như Nuti Food và một số làng nghề sản xuất bánh kẹo. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Cty Hoàng Lâm thu hồi 2 tấn sữa nguyên liệu đang còn tồn tại Cty Anco, đồng thời thông báo với khách hàng việc thu hồi sản phẩm. Cùng ngày, Thanh tra Y tế Hà Nội đã kiểm tra nguồn nguyên liệu sử dụng trong sản xuất các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, sữa đặc có đường của Nhà máy sữa Hà Nội thuộc Cty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Nguyên liệu được mua chủ yếu là từ New Zealand, Mỹ... Tuy nhiên, số nguyên liệu bột sữa tươi của New Zealand lại là của Cty Foterna đang có tới 40% cổ phần tại Cty sữa Tam Lộc - Trung Quốc. Đoàn thanh tra cũng đã tiến hành lấy mẫu loại nguyên liệu sữa trên và sữa tươi thành phẩm để xét nghiệm chất Melamine.

Bài học trên giấy: Chưa đủ...

Trong một cuộc tổng kết mới đây của ngành Y tế, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP quốc gia  đã chỉ ra 6 bài học kinh nghiệm trong việc bảo đảm VSATTP. Thứ nhất, chính quyền phải là người chủ trì hoạt động an toàn thực phẩm (ATTP), công tác kiểm soát ATTP phải gắn với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ở nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp chủ trì điều hành các hoạt động ATTP thì nơi đó triển khai công tác bảo đảm VSATTP thuận lợi và có hiệu quả rõ rệt. 

Thứ hai, vấn đề ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe, và lâu dài là tới phát triển nòi giống, ngành Y tế phải chủ động thực hiện vai trò tham mưu, đề xuất chính sách, giải pháp bảo đảm ATTP phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ ba, muốn bảo đảm ATTP thì phải có nhận thức đúng và thực hành đúng về ATTP. Vì vậy, cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền các quy định pháp luật, kiến thức và kỹ năng thực hành ATTP tới nhà quản lý, phía sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Thứ tư, chuỗi cung cấp thực phẩm liên quan tới nhiều ngành, tới toàn xã hội, nên cần đẩy mạnh các hoạt động liên ngành, thực hiện xã hội hóa các hoạt động ATTP.

Thứ năm, là cần có sự cam kết thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm của chủ hộ - cơ sở sản xuất. Cuối cùng, cơ quan quản lý cần duy trì việc kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm về ATTP.
 

Việt Nam chưa có Luật về thực phẩm, các văn bản pháp luật hiện có chưa đi kèm với hệ thống chế tài nghiêm khắc, cùng với hệ thống kiểm nghiệm đạt yêu cầu.  Vì thế,  6 bài học trên xem ra đã hội đủ các yếu tố cần có để có thể bảo đảm cho xã hội có được sự an toàn trong tiêu dùng thực phẩm. Tuy nhiên, sau rất nhiều vụ vi phạm VSATTP, đặc biệt là với mặt hàng sữa gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước, thì rõ ràng các bài học trên giấy là chưa đủ. Những “lỗ hổng” trong quản lý sẽ khó được bịt kín nếu cả người quản lý, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chưa cùng nhìn về một hướng.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP: Quan điểm của Bộ Y tế là những sản phẩm nằm trong danh sách 22 nhãn sữa nhiễm melanine nếu có mặt ở thị trường Việt Nam dứt khoát phải tạm dừng lưu hành. Còn về Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của sản phẩm sữa Yili, Cục ATVSTP khẳng định vẫn đang nằm tại Cục, nhưng do có  hàng vạn hồ sơ, nên việc tìm kiếm có thể sẽ kéo dài hơn.

Chiều ngày 24-9 Bộ Y tế sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành để nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất