Đặc biệt, khi hệ thống y tế ở một số nơi có dấu hiệu quá tải thì các loại kit test, thuốc điều trị được tuồn từ nước ngoài về lại càng nhiều. Người dân như bị "ma trận" kit test và thuốc điều trị COVID-19 bủa vây.
Trên thực tế, các loại thiết bị y tế và thuốc điều trị nói trên phải
do cơ quan chức năng của Bộ Y tế cấp phép mới được mua bán trên thị
trường. Tuy nhiên, chúng ta rất dễ dàng mua các sản phẩm kit test, thuốc
điều trị COVID-19 của Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Trung Quốc hay của Việt
Nam với nhiều mức giá khác nhau tại các tiệm thuốc hay mua qua online.
Từ ngày 21/2, theo Thông tư số 02/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, giá một bộ
kit test nhanh COVID-19 chỉ là 78.000 đồng, nhưng trên thị trường thì
có đủ các loại giá khác nhau, có khi một loại mà chênh nhau cả vài chục
nghìn đồng.
Những ngày này, nhiều người còn đổ xô đi tìm kiếm mua các loại thuốc
hạ sốt, kháng sinh, vitamin, thuốc xịt mũi, súc miệng... khiến cho các
mặt hàng này tăng giá vùn vụt. Đáng lo ngại hơn là người dân tìm mua các
loại thuốc điều trị COVID-19 được rao bán rầm rộ trên mạng với mác là
hàng xách tay từ nước ngoài. Điển hình là các loại thuốc: Areplivir,
Arbidol.
Theo các chuyên gia, hai loại thuốc này chỉ là thuốc phòng và điều
trị cúm mùa, được sử dụng từ hơn 10 năm trước. Những loại thuốc chưa rõ
nguồn gốc, xuất xứ khác không chỉ móc túi người mua mà còn có nguy cơ
ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Hiện nay, rất nhiều người bán kit test hay thuốc điều trị COVID-19
không có chứng chỉ hành nghề dược mà chủ yếu bán hàng online nên người
mua khó có sự trợ giúp tin cậy về phòng, chống dịch (PCD) bệnh. Mặt
khác, tâm lý của người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm cứ thấy có kit test hay
thuốc điều trị bán là mua ngay.
Vì thế, các mặt hàng y tế phòng, chống COVID-19 càng có cơ hội để
tiêu thụ. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu
giữ nhiều lô hàng chứa kit test và thuốc điều trị COVID-19 từ nước ngoài
tuồn lậu vào thị trường nước ta.
Rõ ràng, các đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách để đưa những mặt hàng
không bảo đảm chất lượng và độ an toàn vào thị trường trong nước. Chẳng
hạn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị
COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã
qua sử dụng... ảnh hưởng lớn đến công tác PCD và lòng tin của người tiêu
dùng.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên
truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của
người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi
phạm pháp luật.
Bộ Y tế cũng cần đẩy mạnh các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập
khẩu, kinh doanh các mặt hàng về PCD COVID-19, bảo đảm vừa tạo điều kiện
thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản
xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các
hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả,
hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm. Có như vậy, chúng ta mới quản lý tốt các loại thiết bị y tế,
thuốc điều trị và hỗ trợ điều trị COVID-19, góp phần tích cực trong công
tác PCD trong giai đoạn hiện nay./.
Phú Hưng (qdnd.vn)