(TG) - Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÁO CHÍ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”. Khi ở Trung Quốc, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1/6/1925) - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21 tháng 6 năm 1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong hơn nửa thế kỷ vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... với đa dạng các chủ đề. Những bài viết của Người có văn phong độc đáo, gần gũi, dễ hiểu, được bạn đọc khắp năm châu đón nhận, mến mộ. Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm mọi công việc liên quan đến “nghề báo” như: tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành… Thực tiễn phong phú đó đã góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng - một di sản vô cùng quý giá, đặc biệt mà Bác đã để lại cho thế hệ sau. Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; “nghệ thuật viết” để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị. Trong đó, Người chỉ rõ: báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế, “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc”(1). Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Do đó, mỗi nhà báo khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”(2). Không được tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Đồng thời, phải tuyệt đối tránh các lỗi: viết quá dài “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; đưa tin tức hấp tấp, thiếu thận trọng; là lộ bí mật; dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”(3); “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”(4). Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(5). Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thấm nhuần lời dạy của Người, báo chí cách mạng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, vận động, cổ vũ các tầng lớp nhân dân vững tin theo Đảng, đoàn kết một lòng, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công (1945), lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Báo chí cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc ta liên tiếp giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, có “vị thế” đặc biệt, tác động sâu sắc trong đời sống xã hội.
Hiện nay cả nước có 868 cơ quan báo chí, 184 cơ quan báo chí in, 660 tạp chí in, 24 cơ quan báo điện tử độc lập với tổng số 19.166 nhà báo được cấp thẻ. Cả nước có 2 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương và 5 đơn vị hoạt động truyền hình của các bộ, ngành với tổng số 87 kênh phát thanh và 191 kênh truyền hình. Công tác xuất bản, in, phát hành đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Số lượng xuất bản phẩm trên đầu người 5 bản/người/năm, tỉ trọng xuất bản điện tử chiếm 31%(6). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, hoạt động báo chí ở nước ta còn những tồn tại, hạn chế lớn. Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập.”(7) Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng người làm báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, đưa tin xấu, độc, sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những hạn chế này đã và đang làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.
BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM KHÔNG NGỪNG PHẤN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH
Bước vào giai đoạn phát triển mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”(8). Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn” (9). Tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng tại Đại hội XIII của Đảng. Trong tình hình đó, khắc ghi lời dạy của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam phải không ngừng phấn đấu, trường thành hơn nữa, khẳng định đúng vị thế là “cơ quan quyền lực thứ 4”, là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, là diễn đàn để các tầng lớp nhân dân đóng góp tâm huyết vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước hết, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ nhà báo và cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Cần nhận thức rõ, báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là bộ phận cơ hữu trong công tác tuyên giáo của Đảng, là diễn đàn thể hiện tâm tư, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, là tuyến đầu trong đấu tranh tư tưởng, lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nhân dân… Với vai trò, trách nhiệm đó, báo chí cách mạng phải chủ động tiến hành có hiệu quả việc “tuyên truyền về thắng lợi đồng thời phải làm cho quân và dân ta nâng cao cảnh giác và thấy những khó khăn cần phải vượt qua” như lời Bác dạy (10); góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, triển khai đồng bộ hệ giải pháp xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục; không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” chống phá Đảng, Nhà nước, gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ pháp luật về báo chí phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng khoa học, công nghệ và điều kiện nước ta. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển theo đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Có cơ chế động viên, khen thưởng xứng đáng cho những người làm báo, cơ quan báo chí có thành tích tốt; đồng thời bảo vệ an toàn cho họ trước các thế lực xấu; cùng với đó phải nghiêm trị những cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại uy tín của báo chí cách mạng.
Thứ tư, phát triển đội ngũ người làm báo chí chuyên nghiệp có tâm, có tầm. Theo đó, cùng với những giải pháp phát triển đồng bộ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo, mỗi người làm báo phải luon tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Ðảng, phục vụ đất nước và Nhân dân, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ. Mỗi người làm báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”(11).
TS. Nguyễn Quang Tạo
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.12, tr.166.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.13, tr.466.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.13, tr.463.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.13, tr.466.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.13, tr.466.
(6) https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-tong-ket-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2011-2020-xay-dung-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-621156/
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.85.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.104.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.108.
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, 427.
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.12, tr.167.