Chủ Nhật, 22/9/2024
Thế giới
Thứ Tư, 9/5/2018 10:4'(GMT+7)

"Lợi bất cập hại"

 

Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) vẫn luôn bị Tổng thống Donald Trump xem là một thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử xứ Cờ hoa. Tháng 10-2017, khi đến thời hạn theo quy định, cứ sau 90 ngày, Tổng thống Mỹ phải xác nhận với Quốc hội liệu Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không, thì câu trả lời ông chủ Nhà Trắng đưa ra cho đồi Capitol là không. Đến ngày 12-1 năm nay, Tổng thống Donald Trump đã ra tối hậu thư hoặc thỏa thuận phải được sửa đổi trong vòng 120 ngày theo hướng cứng rắn hơn với Tehran, hoặc Mỹ sẽ dứt áo ra đi và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã không ít lần "giội gáo nước lạnh” vào cộng đồng quốc tế bằng “học thuyết rút lui” như cách gọi của giới phân tích đối với các quyết sách quan trọng của Nhà Trắng trong quan hệ đối ngoại. Đó là việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu... Và thật trùng hợp là trong bối cảnh thời hạn chót đang đến gần thì Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông vốn "không đội trời chung” với Iran, lại tuyên bố nắm trong tay 55.000 trang tài liệu chứng minh Tehran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự. Cho dù là vô tình hay hữu ý thì “sự trùng hợp” của Tel Aviv được xem là góp phần “tiếp lửa” cho quan điểm của Washington khi Nhà Trắng tuyên bố những thông tin của Israel cung cấp “các chi tiết mới và thuyết phục”. Trong khi đó, Iran vẫn một mực khẳng định không bao giờ có chuyện Tehran đàm phán lại để sửa đổi thỏa thuận theo như đề nghị của Tổng thống Mỹ. Chính vì vậy, sẽ không có gì bất ngờ nếu như Tổng thống Donald Trump lại quyết định“chia tay” một thỏa thuận đa phương như JCPOA có chứa đựng những điều khoản mà ông cho là “sai lầm thảm họa”.

Điều đáng nói là cho đến nay, tất thảy 10 báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)-cơ quan quốc tế duy nhất phụ trách giám sát cam kết hạt nhân của Iran kể từ khi JCPOA bắt đầu có hiệu lực, đều cho thấy Tehran tuân thủ đầy đủ các cam kết. Trong khi đó, cả giới phân tích và các nước phương Tây, ngoại trừ Mỹ, đều cho rằng những thông tin Israel đưa ra là “xưa như Trái Đất” vì chúng đã tồn tại từ trước khi JCPOA được ký kết. Trong khi không chứng minh được liệu rằng Iran có vi phạm các cam kết trong thỏa thuận hay không, chính 55.000 trang tài liệu trong tay Israel lại góp phần tái khẳng định tầm quan trọng phải duy trì JCPOA để giám sát các hoạt động hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Nếu đã như vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Donald Trump lại nhất quyết yêu cầu JCPOA phải được sửa đổi?

Lâu nay, sự nghi kỵ vẫn luôn là trở ngại trong quan hệ song phương giữa cường quốc số 1 thế giới và nước Cộng hòa Hồi giáo. Thậm chí ngay cả khi JCPOA đã có hiệu lực được hơn hai năm, Nhà Trắng lại cho rằng Washington đã bị “hớ” vì thỏa thuận này được ký kết dựa trên những “thông tin không chính xác” và năng lực hạt nhân của Iran vào thời điểm ký kết đã tiến bộ hơn nhiều so với những gì Tehran thể hiện. Trong mắt Nhà Trắng, khoảng thời gian 10 năm từ 2015 đến 2025-thời điểm JCPOA hết hạn, là quá ngắn ngủi và chẳng thấm vào đâu. Thay vì giúp hạn chế, theo Nhà Trắng, JCPOA có thể giúp Iran “câu giờ” để hoàn thiện chương trình phát triển hạt nhân vốn bị phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom nguyên tử. Đó là chưa kể làm sao có thể kiểm soát được chương trình hạt nhân của nước này giai đoạn hậu 2025.

Cũng sẽ là hợp lý khi cho rằng yêu sách của chính quyền Donald Trump có vẻ như là một mũi tên trúng hai đích. Washington không hề giấu giếm thái độ không hài lòng trước việc Tehran gia tăng ảnh hưởng tại Syria, Yemen và Liban thông qua các lực lượng ủy nhiệm bởi điều này đang khiến Israel và Saudi Arabia đứng ngồi không yên. Tel Aviv và Riyadh xem “sự hiện diện” của Iran tại Syria, Yemen hay Liban là “mối đe dọa” trực tiếp tới an ninh của họ. Vì vậy mà không loại trừ khả năng Nhà Trắng muốn gây sức ép buộc Iran phải thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông để trấn an các đồng minh thân cận trong khu vực. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để Tổng thống Donald Trump thực hiện những cam kết của mình liên quan tới hồ sơ hạt nhân Iran trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng hồi năm 2016...

Hơn hai năm trước, toàn thế giới đã hân hoan đón chào JCPOA-kết quả của gần 12 năm đàm phán đầy gian truân giữa Nhóm P5+1 và Iran, được đánh giá là một thỏa thuận mang tầm lịch sử “cùng thắng” cho tất cả. Đối với Iran, việc“chiếc vòng kim cô” trừng phạt của quốc tế vốn “siết chặt” nước Cộng hòa Hồi giáo trong nhiều năm, được dỡ bỏ giúp Tehran thoát khỏi tình trạng bị cô lập, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ giữa nước này với khu vực và thế giới. Trong khi đó, JCPOA cũng đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ và phương Tây vốn bị loại khỏi thị trường Iran vài thập niên qua. Không chỉ có thế, việc ký kết JCPOA còn là minh chứng cho thấy căng thẳng và đối đầu có thể được hóa giải bằng con đường ngoại giao, đồng thời là một khởi đầu tốt đẹp cho những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Nói như vậy để thấy rằng, nếu Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ kéo theo những hệ lụy tất yếu. Trong khi các bên liên quan nỗ lực duy trì thỏa thuận thì “sự lệch pha” về quan điểm của Mỹ chắc chắn gây trắc trở cho quan hệ giữa Washington với các đồng minh phương Tây và hai cường quốc Nga, Trung Quốc. Cùng với đó là những rủi ro đối với các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây liên quan tới những hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Iran sau khi JCPOA có hiệu lực. Đồng thời, khả năng Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt sẽ tác động không nhỏ tới thị trường “vàng đen” bởi Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Đó là chưa kể căng thẳng giữa Washington và Tehran sẽ bị đẩy lên một nấc thang mới. Trong khi Iran đang đóng một vai trò không nhỏ đối với việc tháo gỡ nhiều nút thắt của khu vực Trung Đông thì thế đối đầu Mỹ- Iran là điều không ai mong đợi.

Không những thế, đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào uy tín của chính Washington nói riêng và nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới nói chung. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ nổi lên như một cường quốc không thể thiếu được trên vũ đài quốc tế một phần nhờ vai trò lãnh đạo của nước này trong hệ thống các hiệp ước và liên minh dựa trên các quy tắc toàn cầu. Tuy nhiên, “học thuyết rút lui” đã tạo nên tiền lệ khiến người ta khó có thể tin tưởng bất kỳ cam kết quốc tế nào do chính Mỹ khởi xướng, vì lo ngại nó có thể dễ dàng bị đảo ngược trong vòng một nốt nhạc, nhất là trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Không khó để nhận ra rằng nếu Washington rút khỏi JCPOA thì đó sẽ chỉ là “lợi bất cập hại”. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là JCPOA sẽ chết yểu. Như lời của Thủ tướng Đức Angela Merkel thì có một thỏa thuận hạt nhân, “dù không hoàn hảo vẫn tốt hơn là chẳng có thỏa thuận nào”! Cho dù sự so sánh có thể là khiên cưỡng, song không có lý do gì để người ta không nghĩ đến một JCPOA giữa nhóm P4+1 và Iran khi đã có tiền lệ TPP-12 chuyển thành TPP-11 (nay là CPTPP) sau sự rút lui của Mỹ. Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã tuyên bố sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân kể cả khi Mỹ rút lui nếu các bên còn lại cũng duy trì thỏa thuận này trong khi Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức luôn nhấn mạnh tới sự cần thiết của JCPOA.

Mặc dù vậy, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Việc ông chủ Nhà Trắng đột nhiên quyết định đẩy thời hạn chót lên sớm hơn vài ngày so với dự định ban đầu đã phần nào cho thấy Tổng thống Donald Trump là một người khó đoán định. Vì vậy, giới phân tích chưa bao giờ loại trừ khả năng xuất hiện điều bất ngờ.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất