Thứ Bảy, 28/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 17/10/2010 21:51'(GMT+7)

Lời cảnh báo rất gần

Một con thỏ rừng to lớn nằm chết trong đám bùn độc hại ở Hungary.

Một con thỏ rừng to lớn nằm chết trong đám bùn độc hại ở Hungary.

Cả châu Âu đã lo sốt vó vì thảm họa môi trường ở Hungary khi ngày 4-10, hơn 700.000 m3 bùn đỏ, chất thải từ việc khai thác bauxite luyện nhôm của Nhà máy Ajka Timfoldgyar đổ ra sông Danube.

Thông thường, bùn đỏ từ việc khai thác bauxite được chứa trong những hồ lớn cho đến khi hoàn nguyên, có thể tái sử dụng được - thời gian kéo dài từ vài chục năm đến hơn 100 năm. Thảm họa môi trường ở Hungary là do bể bờ bao hồ chứa bùn đỏ, dù nó dày đến 5-10 m. Vụ tràn bùn này để lại hậu quả hết sức thảm khốc, không phải chỉ 8 người chết và 150 người bị thương mà là thảm họa sinh thái đối với toàn châu Âu.
 
Phóng sự ảnh của Reuters cho thấy ngôi làng Kolontar gần Nhà máy Ajka như vừa có cơn lũ quét bùn đỏ. Cả ngôi làng chìm trong sắc đỏ bầm kinh hoàng, nhà cửa tan hoang, gương mặt người thất thần và cá chết nổi đầy sông.
 
Tất cả bao trùm một màu chết chóc. Chính quyền Hungary lo ngại về một đợt tràn bùn đỏ thứ hai sẽ xảy ra, đã ra lệnh di dời toàn bộ dân đang sinh sống ở 2 ngôi làng gần Nhà máy Ajka.
 
Giám đốc nhà máy đã bị bắt, cả châu Âu lao vào cùng Hungary khắc phục sự cố. Các quốc gia có dòng Danube chảy qua đang kiểm tra chất lượng nước sông từng giờ để sẵn sàng đối phó. Sông Danube xanh đang đứng bên bờ vực của khủng hoảng môi trường lớn nhất từ trước tới nay.
 
Hungary được xem là quốc gia có nền công nghiệp khai thác bauxite hiện đại. Trong hai thập niên 1960 - 1970, sản lượng nhôm của nước này đạt mức 2-3 triệu tấn/năm. Trả giá cho sản lượng nhôm lớn như vậy là hơn 40 triệu m3 bùn đỏ vẫn còn phải lưu giữ chờ hoàn nguyên, thực sự là một trái bom sinh thái treo lơ lửng đe dọa toàn châu Âu.
 
VN là quốc gia có nguồn quặng bauxite rất lớn và chúng ta đang bắt đầu khai thác với hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Theo thiết kế, 2 nhà máy này sẽ thải khoảng 1,3 triệu m³ bùn đỏ mỗi năm. Các nhà khoa học tính toán cả đời 2 nhà máy luyện nhôm này sẽ thải ra khoảng 80-90 triệu m³ bùn đỏ, treo lơ lửng trên cao nguyên vốn có thời tiết đỏng đảnh, mưa nhiều, lũ lớn.
 
Tài nguyên vẫn mãi mãi là tài nguyên nếu không khai thác nhưng khai thác mà để lại hậu quả cực lớn như Hungary thì lợi bất cập hại. Các nhà sinh thái so sánh thảm họa môi trường ở Hungary không khác gì vụ tràn dầu ở vịnh Mexico, còn hơn nữa khi Hungary sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng của ngành du lịch, nhiều nước sẽ tẩy chay sản phẩm nông nghiệp và nhiều hệ quả nặng nề khác.
 
Theo chúng tôi, ngay bây giờ, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản VN, lãnh đạo các nhà máy luyện nhôm của VN và các nhà khoa học sinh thái nên có mặt ở Hungary để học bài học thực địa trong việc khai thác bauxite. Thảm họa môi trường ở Hungary là bài học cay đắng, lời cảnh báo từ rất xa nhưng rất gần với chúng ta.

(Theo: Lưu Nhi Dũ/Người lao động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất