(TCTG)-Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo "Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh khu vực phía Bắc", với sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học, viện nghiên cứu và một số trường đại học.
Báo cáo tổng hợp đánh giá thực trạng, công tác đào tạo nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh phía Bắc, ông Giang Đức Chung, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ: Mặc dù các tỉnh khu vực phía Bắc có nhiều cố gắng trong công tác quản lý nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Các địa phương luôn trong tình trạng khan hiếm nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức cho toàn ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) thời gian qua vẫn chưa đáp ứng đủ cả về lượng và chất. Trọng trách đặt nặng vào vai những người làm công tác đào tạo hơn khi thời gian tới, toàn ngành cần đến 4,5 vạn nhân lực.
Ngoài các trường, cơ sở đào tạo trong và ngoài Bộ TN-MT, hàng năm, Bộ TN-MT còn thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 50 khóa với 5.000 - 7.000 lượt cán bộ từ ngân sách nhà nước song con số này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của toàn ngành.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đều cho rằng, đội ngũ công chức, viên chức ngành TN-MT không chỉ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, còn bị mất cân đối cơ cấu nghiêm trọng.
Ở Trung ương, thiếu công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu. Số chuyên gia, cán bộ giỏi được đào tạo cơ bản đều đã nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị. Địa phương cũng thiếu nhân lực trong các lĩnh vực địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng gặp khó khăn lớn trong việc tuyển dụng người có năng lực chuyên môn, được đào tạo chính quy. Trong phân cấp quản lý, các cán bộ cấp huyện xã được trao nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn nhưng năng lực của họ chưa đáp ứng kịp. Cán bộ địa phương ở cấp càng thấp thì càng lúng túng và không nắm được các văn bản pháp quy do thiếu điều kiện tiếp cận…
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, hệ thống các cơ sở đào tạo hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu liên thông, liên kết. Sản phẩm đào tạo chủ yếu có tay nghề thực hành nhưng hạn chế khả năng nghiên cứu. Cơ sở vật chất, không gian sư phạm của các cơ sở đào tạo còn hạn chế và thua xa các nước trong khu vực. Đầu tư cho cơ sở vật chất, đổi mới tăng cường giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ giảng dạy còn dàn trải, manh mún. Chưa thực hiện thường xuyên khâu biên soạn, bổ sung hệ thống giáo trình mới; nội dung chương trình còn nặng về chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý; thiếu thống nhất giữa kiến thức bắt buộc và tự chọn. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về các chuyên ngành trong lĩnh vực TN – MT cũng chưa có…
Bên cạnh đó, việc phát triển các cơ sở đào tạo về lĩnh vực TN – MT cũng bộc lộ nhiều bất cập như, nhiều ngành chưa được quan tâm mở mới, đặc biệt ngành liên quan đến TN – MT biển, kinh tế biển và các ngành liên quan đến quản lý tài nguyên nước, kinh tế TN – MT, biến đổi khí hậụ…
Được biết, hiện nay, tổng số cán bộ công tác trong ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh khu vực miền Bắc có khoảng 10.400 người. Cấp tỉnh có khoảng 3.400 người, cấp huyện có khoảng 2.200 người và cấp xã có khoảng 4.800 người. Đặc biệt, đối với các chuyên ngành về nước, thủy lợi và khí tượng thủy văn, hầu hết các Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc khu vực miền Bắc đều có ít cán bộ được đào tạo ở các chuyên ngành này. Một số Sở, nhất là ở cấp huyện chưa có cán bộ được đào tạo ở ngành khí tượng thủy văn, nước, thủy lợi, địa chất khoáng sản như tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình. Riêng tỉnh Lạng Sơn, ở cấp huyện chưa có cán bộ được đào tạo ở cả 5 lĩnh vực môi trường, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản, khí tượng thủy văn, nước, thủy lợi. Ở cấp Sở của tỉnh Hà Nam, chưa có cán bộ được đào tạo ở cả 4 lĩnh vực đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản, nước, thủy lợi và khí tượng thủy văn...
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành TN – MT giai đoạn (2011 - 2020), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dựa vào một số định hướng đảm bảo phát triển bền vững. Con người là trung tâm, động lực và nhân tố quyết định của Chiến lược phát triển ngành TN – MT. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải hướng tới con người, vì lợi ích chung của toàn xã hội, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành vừa có chuyên môn, nghiệp vụ cao vừa có tinh thần, thái độ phục vụ tốt. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và mở mới các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực TN – MT.
Ngành tài nguyên và môi trường phát triển chính quy, hiện đại dựa trên cơ sở xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, hiệu quả và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng thể chế nguồn lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao, quản lý khôn khéo, sử dụng bền vững và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ TN – MT cho các thế hệ mai sau./.
DT