(TCTG)- Ngày 7/10 tại thủ đô Angiê (Angiêri), ông Luc Gnacadja-Thư ký thường trực của Công ước Chống Sa mạc hóa (UNCCD) đã tuyên bố 1/3 dân số thế giới, tức 2 tỷ người, sống tại các nước chậm phát triển đang phải chịu tình trạng sa mạc hóa.
Ông Luc Gnacadja mong muốn hội nghị về khí hậu diễn ra tại Cancun (Mêhicô) từ 29/11-10/12 cần nỗ lực để chống lại thảm họa trên. Vị quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc này cũng bày tỏ các hội nghị quốc tế về môi trường đã không đánh giá đầy đủ những hậu quả của tình trạng sa mạc hóa và cần tập trung hơn nữa vào các vấn đề khí hậu nóng lên và nạn phá rừng. Ông cũng cảnh báo: “Nếu chúng ta không đồng thuận để khôi phục các vùng đất bị xói mòn, chúng ta sẽ hủy hoại đất đai và tàn phá rừng nhiều hơn”.
Châu Phi là khu vực đầu tiên chịu tác động
Ông Luc Gnacadja giải thích cuộc chiến chống sa mạc hóa là một “thách thức chiến lược” bởi “hạn hán gây ra những thảm họa nhân đạo” và chính châu Phi, chiếm 41% diện tích trái đất, là khu vực đầu tiên bị tác động. Cuộc chiến này là “yếu tố tiềm tàng nhất để giảm tỷ lệ đói nghèo”. Ông cũng chỉ rõ “mùa vụ tăng 10% sẽ cho phép giảm 6% tỷ lệ đói nghèo”. “Chi phí cho cuộc chiến này còn thấp hơn là không hành động”. “Đến nay, con người đang chết dần do tình trạng sa mạc hóa chứ chưa phải do khí hậu nóng lên”. Vì vậy, ông Gnacadja đã yêu cầu hội nghị về khí hậu sắp tới của LHQ “thông qua một thỏa thuận đề cập đến tài nguyên đất và tránh xói mòn”./.
Theo báo LEMONDE.fr (Tin dịch)