Được tận mắt chứng kiến hằng ngày hàng triệu người dân vẫn đến các cơ sở tôn giáo để thực hành đức tin, tôi càng nhận ra rõ hơn về thói "đạo đức giả" của những người đang nấp dưới chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vu cáo Nhà nước Việt Nam.
Đông đảo người dân Hà Nội đón mừng lễ Giáng sinh
Sau chuyến về thăm quê hương vừa qua, tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước, được tiếp xúc với sự phong phú, đa dạng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, từ CHLB Ðức, tác giả Hồ Ngọc Thắng có bài viết gửi Báo Nhân Dân. Bài viết thông qua sự cảm nhận và tìm hiểu của chính tác giả đã phê phán luận điệu của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Những năm qua, mỗi lần về thăm quê hương tôi đều cố gắng dành thời gian đến thăm nhiều vùng miền từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng hẻo lánh, xa xôi. Ði như vậy, tôi biết thêm nhiều điều về quê hương mình, tận mắt chứng kiến mọi người dân được hưởng quyền tự do, dân chủ như Hiến pháp quy định, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua chuyện trò, tâm sự của người thân, của bà con họ hàng, bạn bè và những người tôi đã gặp trên đường hoặc khi dừng nghỉ ở đâu đó, tôi hiểu ở Việt Nam, mọi người đều được tạo điều kiện thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không ai bị cản trở hay gặp khó khăn.
Là người làm nghề luật, tôi quan niệm để có đánh giá khách quan về thực trạng tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở một quốc gia phải nhìn nhận cả hai mặt: cơ sở pháp lý, thực tế đời sống tôn giáo của người dân. Về cơ sở pháp lý, ở Việt Nam, Ðiều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Quy định này được thể chế hóa qua sự kiện ngày 18-11-2016, kỳ họp thứ hai Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là bước tiến lớn trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Và để luật đi vào cuộc sống, giúp người dân, hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 30-12-2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 162/2017/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Cũng như những lần về nước trước đây, không chỉ nắm bắt qua tin tức trên báo chí, vì muốn trực tiếp tìm hiểu đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của bà con quê nhà, tháng 5-2018, tôi đến thăm Vương cung Thánh đường La Vang, nơi được coi là Thánh địa và là một trong ba trung tâm hành hương quan trọng của người Công giáo ở Việt Nam. Vương cung Thánh đường La Vang tọa lạc tại Hải Lăng - Quảng Trị, năm 1972 từng bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn, hiện còn một phần là di tích tháp chuông. Tôi thật sự ấn tượng với Thánh đường có sức chứa 5.000 người đang trong quá trình xây dựng, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Việt Nam truyền thống. Nắng nóng oi bức, song từng đoàn xe vẫn nối đuôi đưa những đoàn người Công giáo cũng như du khách từ mọi miền đất nước hành hương, thăm viếng nơi này. Tìm hiểu trên internet (in-tơ-nét) và tiếp xúc với người Công giáo ở địa phương, tôi được biết tại đây: năm 1995 tháp chuông, Nhà nguyện Ðức Mẹ đã được tu sửa; năm 2002 khánh thành Nhà nguyện Thánh thể; năm 2004 khánh thành Công trường Mân Côi, Lễ đài, Nhà hành hương. Năm 1998, tượng Ðức Mẹ La Vang mới đã thay thế cho pho tượng cũ. Pho tượng mới được Giáo hoàng Gioan Phaolô II làm phép ngày 1-7-1998 tại Roma, chuyển về Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ La Vang. Năm 2008, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã cấp lại cho Thánh địa 21 ha đất nhằm "phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân" và Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định xây lại nhà thờ La Vang cho tương xứng một trung tâm hành hương. Ngày 6-1-2011, nghi thức đặt viên đá đầu do Hồng y Ivan Dias (I-van Ði-át) - Ðặc sứ của Giáo hoàng Benedicto XVI, và các Giám mục Việt Nam được tiến hành nhân dịp bế mạc Năm Thánh nhân 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam (1960 - 2010). Ngày 15-8-2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường dự kiến xây dựng trên mặt bằng có diện tích 13.464 m2. Khung cảnh sinh hoạt nhộn nhịp mà tôi chứng kiến hoàn toàn đối lập với đánh giá về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam của một số thế lực, tổ chức ở phương Tây. Không nói đâu xa, từ sân bay quốc tế Nội Bài theo quốc lộ 1A đi về phía nam hoặc phía bắc, người đi đường đều có thể quan sát, nhận thấy hai bên đường thi thoảng có nhà thờ Công giáo khang trang với tháp chuông cao vút giữa nền trời. Cảnh quan đó giúp nhận biết mật độ nhà thờ Công giáo ở thành thị và nông thôn Việt Nam như thế nào. Nếu so sánh với châu Âu, nơi hằng năm hàng loạt nhà thờ bị phá dỡ do không còn nhu cầu sử dụng vì lượng giáo dân đã giảm trong các thập kỷ qua, thì không thể kết luận ở Việt Nam "không có tự do tôn giáo". Ngược lại điều đó đã phần nào cho thấy sự phát triển của đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay cũng như quyền tự do tín ngưỡng của người dân tại Việt Nam được công nhận và tạo điều kiện như thế nào.
Không chỉ ở La Vang, không chỉ đối với Công giáo Việt Nam, mà ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam với các bộ phận khác nhau của cộng đồng tôn giáo, những năm qua rất nhiều công trình hoành tráng như thế đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu người dân. Một nơi không xa La Vang mà tôi đến thăm lần này là TP Huế, nơi tôi có nhiều người họ hàng sinh sống. Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Hơn 60% số người dân của TP Huế theo đạo Phật, Phật giáo ở Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 1.000 tu sĩ, gần 600 tu viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Có thể nói, mọi nơi của thành phố, dù ban ngày hay ban đêm, khách từ phương xa tới đều có thể chứng kiến khung cảnh hoạt động của tín đồ Phật giáo trong không khí an lành, hướng thiện. Cũng cần nhắc đến quần thể chùa Bái Ðính ở Ninh Bình, với khu chùa mới được xây dựng năm 2003, nơi tổ chức Ðại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 vào tháng 3-2014. Và như báo chí đã đưa tin, năm nào cũng vậy, đến dịp đầu năm, không quản mưa gió, hàng chục nghìn người lại hành hương về đất Phật Yên Tử (Quảng Ninh)… Phải khẳng định đó là những minh chứng hết sức sống động, phản ánh chân thực sự phát triển đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam, đặc biệt cho thấy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được tôn trọng, được tạo điều kiện để phát triển, không có người dân nào bị gây phiền hà, sách nhiễu.
Từ những gì đã thấy, đã đọc, đã nghe, tôi rút ra kết luận rằng một số chính phủ ở phương Tây, một số tổ chức nhân danh dân chủ, nhân quyền không muốn xem xét, đánh giá vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam một cách khách quan. Vì các lý do khác nhau, trong đó chắc chắn có động cơ chính trị, họ muốn áp đặt cái gọi là "giá trị phương Tây" lên Việt Nam, cản trở sự phát triển của đất nước tôi, dung túng và o bế một số cá nhân có thái độ chống đối chính quyền… Từ đó gây sức ép đối với Nhà nước Việt Nam. Ðể thực hiện mưu đồ, họ sử dụng phương pháp cũ là khai thác luận điệu bịa đăt, vu khống của nhóm nhỏ cá nhân bất mãn, người có thái độ thiếu thiện chí hay thù địch với chính quyền để xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cuối những năm 90 của thế kỷ 20, phương pháp này được áp dụng tại các nước ở Ðông Âu. Tại đó, nhiều cuộc biểu tình, phản đối được khơi mào bởi các phần tử nấp dưới cái gọi là "tự do tôn giáo", nhà thờ bị lạm dụng làm nơi quy tụ lực lượng chống đối, muốn lật đổ chính quyền. Trước khi vào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tôi dừng chân ở Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi thời gian gần đây đã có một số người hoạt động gây rối. Các phần tử quá khích trong Công giáo lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển liên quan Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), để gây ùn tắc giao thông, phá hoại trụ sở chính quyền, gây thiệt hại về tài sản, thương tích cho nhiều người. Báo chí Việt Nam nhiều lần đưa tin về các vụ án, trong đó người bị tuyên án không phải vì theo một tôn giáo hay hoạt động cho tổ chức tôn giáo nào, mà là lợi dụng danh nghĩa giáo dân để vi phạm những điều luật ghi cụ thể trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, và những quy định pháp luật khác. Rõ ràng, đây là hoạt động đội lốt tôn giáo để phá vỡ cuộc sống bình yên, cản trở hoạt động chung của toàn xã hội. Khi chính quyền thực thi các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật để duy trì kỷ cương xã hội thì họ lu loa "chính quyền vi phạm tự do tôn giáo". Ở một vài giáo phận, một số vụ tranh chấp đất đai thuần túy mang tính dân sự đã bị người quá khích thổi phồng nhằm gây sức ép với chính quyền, đưa ra yêu cầu phi lý, gây rối tại cơ quan tư pháp, hành pháp ở địa phương. Báo chí cũng đã cho biết một sự thật không thể bỏ qua là thủ đoạn chống phá của các tổ chức thù địch ở nước ngoài. Họ không chỉ sử dụng internet để bịa đặt, dựng chuyện vu cáo mà còn chuyển tiền và tài liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, lôi kéo người nhẹ dạ tham gia hoạt động lật đổ chính quyền, một số người được đưa ra nước ngoài để bồi dưỡng kỹ năng chống phá… Sống ở phương Tây nhiều năm, tôi khẳng định đó là việc làm mà bất cứ chính quyền ở một nước phương Tây nào cũng không bao giờ chấp nhận, luôn có biện pháp xử lý công khai, nghiêm khắc.
Được tận mắt chứng kiến hằng ngày hàng triệu người dân vẫn đến các cơ sở tôn giáo để thực hành đức tin, tôi càng nhận ra rõ hơn về thói "đạo đức giả" của những người đang nấp dưới chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vu cáo Nhà nước Việt Nam. Và khi đứng trước tháp chuông là di tích của một Vương cung Thánh đường tại Thánh địa La Vang đã bị bom tàn phá, tôi nghĩ đến câu hỏi: Một số tổ chức, chính quyền, thậm chí là ở quốc gia từng ném bom phá hoại nhà thờ đã thực lòng đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như thế nào? Cũng như họ suy nghĩ gì khi tự cho mình có tư cách để phê phán một quốc gia đã cấp đất để xây nhà thờ?
Hồ Ngọc Thắng
Nguồn: Nhân Dân