Sau 15
năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", lĩnh vực văn học, nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu quan trọng với sự
trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ; sự phong phú, đa dạng
của các loại hình nghệ thuật với chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp
ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, bạn đọc.
Những
sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã góp phần bồi đắp tư
tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người, tạo
nền tảng tinh thần, động lực và sức mạnh nội sinh, góp phần vào quá
trình phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những
thành tựu đạt được thì văn học, nghệ thuật cũng đứng trước nhiều khó
khăn, thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản
động trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng xác định đây là một
trong những mục đích quan trọng nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn
về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để thực hiện tham vọng.
Các
đối tượng này không ngừng lợi dụng ưu thế, sức mạnh của loại hình văn
hóa có tính chất đặc thù để từ đó âm mưu làm lệch lạc nhận thức của
người dân về vai trò của Đảng, Nhà nước, chế độ và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Mục tiêu, ý đồ và tham vọng của các đối tượng
chống phá tuy không thay đổi nhưng biện pháp và cách thức tổ chức thực
hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Một số âm mưu, thủ đoạn và
chiêu bài, cách thức mà thế lực thù địch thường lợi dụng, núp bóng dưới
những tác phẩm văn học, nghệ thuật để đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ nổi lên thời gian qua là việc phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để
thực hiện mục tiêu này, các thế lực không ngừng tuyên truyền, dụ dỗ một
số văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh chính trị, nhẹ dạ cả tin, tư tưởng dao
động, vốn sống và kinh nghiệm viết chưa nhiều viết lên những tác phẩm
kém chất lượng với cái nhìn phiến diện, méo mó, hoài nghi về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước, nhân dân
đã lựa chọn.
Tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về chủ nghĩa
Mác, về chủ nghĩa xã hội được một số tác giả cài cắm tinh vi thông qua
những chi tiết, hình ảnh, lời nói của nhân vật trong truyện, ảnh hưởng
và chi phối không nhỏ đến nhận thức cũng như tâm tư, tình cảm của công
chúng, bạn đọc.
Không chỉ bị kích động, xúi giục từ các thế
lực thù địch mà trong quá trình sáng tạo, một số nghệ sĩ xuất hiện biểu
hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Cụ thể từ những vấn đề nhỏ, liên quan
đến cá nhân, các tác giả đẩy câu chuyện, sự việc đi xa hơn thành vấn đề
dân chủ, nhân quyền, tự do khiến cộng đồng trong nước và nước ngoài
hiểu sai về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với văn nghệ
sĩ và sự phát triển lành mạnh của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Từ
chỗ bất đồng quan điểm, tiếp nhận dễ dãi các trào lưu, khuynh hướng văn
nghệ tiêu cực, thậm chí suy đồi, một số cây bút tiến hành thử nghiệm,
đổi mới cách viết và phong cách sáng tác bằng cách đi ngược lại tôn chỉ,
mục đích, chức năng cao quý của nghệ thuật và sứ mệnh, thiên chức của
nhà văn. Họ hướng ngòi bút vào việc xét lại lịch sử, giải thiêng và tầm
thường hóa hình tượng các nhân vật lịch sử, các vị anh hùng dân tộc với
lý do là bù khuyết những khoảng trống mà lịch sử còn bỏ ngỏ.
Hiện
tượng giễu nhại lịch sử, đưa thêm những tình tiết, những câu chuyện, sự
kiện mang tính hư cấu, tách biệt với bối cảnh thời đại, xoáy sâu vào
những góc khuất trong chuyện tình cảm, đời tư của một số nhân vật lịch
sử, vô tình đã làm tầm thường hóa những nhân vật đã được các thế hệ
người dân Việt Nam tôn kính, ngưỡng mộ, tự hào.
Vì chạy theo thị
hiếu tầm thường, chiều theo tâm lý nhất thời một bộ phận công chúng, sức
ép của cơ chế thị trường, sự chi phối của đồng tiền và danh vọng, một
số nghệ sĩ thiếu bản lĩnh, không làm chủ được bút lực, sẵn sàng viết lên
những tác phẩm theo yêu cầu dễ dãi của công chúng, hướng ngòi bút vào
những đề tài nhạy cảm về chính trị; khoét sâu vào những mặt tiêu cực,
đen tối như tệ nạn xã hội, cờ bạc, ma túy, mại dâm; tham nhũng, chạy
chức chạy quyền; những câu chuyện nội bộ liên quan đến đời tư của các
đồng chí giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà
nước...
Việc quá tập trung vào một số đề tài với cái nhìn đen
tối, u ám về hiện thực cuộc sống, con người sẽ gây tâm lý bi quan, hoài
nghi về hiện tại và tương lai của đất nước. Đây cũng chính là cái cớ mà
thế lực thù địch lợi dụng, nhắm vào để kích động, phao tin, đẩy những
vấn đề, sự việc đi xa hơn khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Những bất cập,
hạn chế lập tức trở thành mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi
dụng, biến văn học, nghệ thuật trở thành công cụ, vũ khí đắc lực để
chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, từng bước can thiệp sâu vào công việc
nội bộ để đạt được mục tiêu, kế hoạch mà chúng đề ra.
Để
thực hiện thành công âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư
tưởng, văn hóa, các đối tượng chống phá, phản động đã sử dụng nhiều
chiêu thức, biện pháp đa dạng, như: tài trợ về tài chính, sáng lập các
quỹ hỗ trợ về sáng tạo; trao các giải thưởng thường niên về văn học,
nghệ thuật, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm
sáng tác ở nước ngoài; tổ chức các diễn đàn, hội thảo để qua đó dễ dàng
thâm nhập vào đời sống văn học, nghệ thuật.
Các đối tượng tìm mọi
cách móc nối với một số nghệ sĩ bất đồng quan điểm chính kiến với chính
quyền, dụ dỗ, kêu gọi các nghệ sĩ “cùng chí hướng” thành lập các hội,
nhóm, tổ chức với tên gọi “văn đoàn độc lập”, “ly khai” và không chịu
bất cứ sự ràng buộc trách nhiệm nào với các tổ chức Đảng, Nhà nước và tổ
chức hội nghề nghiệp; đòi tách văn học, nghệ thuật ra khỏi đời sống
chính trị, đòi trả sự lãnh đạo văn nghệ cho chính văn nghệ sĩ.
Từ
thực tế trên cho thấy công tác phòng chống các luận điệu xuyên tạc, núp
bóng văn học, nghệ thuật để truyền bá cái xấu, cái ác, cái phản giá
trị, phản nhân văn, cần thực thi đồng bộ, kiên trì, lâu dài nhiều giải
pháp với sự tham gia của nhiều ban, ngành chức năng, hội nghề nghiệp,
trách nhiệm của người nghệ sĩ, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để làm tốt nhiệm vụ này cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh
đạo của Đảng và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn
học, nghệ thuật. Các cấp ủy Đảng cần làm tốt công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức của toàn xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ về vai trò,
tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật. Việc nghiên cứu, tổng kết thực
tiễn và xây dựng nền tảng lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật phải
mang tính chất tiên phong, tạo đà, mở đường, dẫn dắt và tạo động lực cho
văn học, nghệ thuật phát triển đúng hướng.
Những chính sách,
pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật phải được xây dựng, ban
hành kịp thời, tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ bảo đảm quyền,
lợi ích chính đáng của người nghệ sĩ, nhất là quyền tác giả và các quyền
liên quan. Quan tâm, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần để nghệ sĩ
yên tâm sáng tác, cống hiến, đồng thời bảo đảm môi trường thật sự tự do,
dân chủ để người nghệ sĩ bộc lộ năng lực, sở trường sáng tạo. Khuyến
khích những ý tưởng mới, những thử nghiệm, tìm tòi nhằm mang lại nguồn
sinh khí mới cho đời sống văn học, nghệ thuật cũng như mang lại những
món ăn tinh thần bổ ích, lành mạnh cho công chúng.
Bên cạnh đó
cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành trong nhận diện,
xử lý những hiện tượng núp bóng, lợi dụng, đội lốt văn học, nghệ thuật
để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh và
lợi ích của quốc gia, dân tộc. Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố
tình vi phạm. Kiểm soát tốt thông tin, hình ảnh và những ấn phẩm văn
học, nghệ thuật trên không gian mạng; ngăn chặn và đẩy lùi những thông
tin xấu độc và tình trạng “xâm lăng”, áp đặt văn hóa ngoại lai. Xây dựng
môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, khoa học.
Đối với đội
ngũ văn nghệ sĩ, để viết lên những tác phẩm lớn, có sức lan tỏa sâu rộng
trong đời sống xã hội cũng như đẩy lùi những tác phẩm kém giá trị, mỗi
cá nhân cần ý thức sâu sắc về thiên chức, sứ mệnh của mình; có lập
trường tư tưởng, bản lĩnh vững vàng, giữ gìn thiên lương và nhân cách
trong sáng; kiên định mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta
đã lựa chọn. Không ngừng trau dồi vốn sống, kinh nghiệm viết; kế thừa,
bổ sung và phát triển những thành tựu của nền văn học, nghệ thuật truyền
thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng cao năng
lực, trình độ, kỹ năng sáng tác.
Không
ngừng đổi mới tư duy, có cái nhìn khách quan, biện chứng về hiện thực,
cuộc sống, con người; đa dạng hóa các hình thức thể hiện, định hình được
phong cách độc đáo, để qua mỗi tác phẩm nghệ thuật góp phần bồi dưỡng
tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho con người.
Hơn
ai hết, người nghệ sĩ cần nhận thức đúng về vấn đề tự do, dân chủ, nhân
quyền. Không có một thứ tự do nào là tuyệt đối, không có thứ nghệ thuật
nào thuần túy, thoát ly ra khỏi đời sống hiện thực. Mỗi khi bắt đầu quá
trình sáng tạo, các văn nghệ sĩ cần xác định rõ mục đích, nội dung,
cách thức và đối tượng hướng đến phục vụ, tránh để các thế lực lợi dụng,
sai khiến.
Bên cạnh đó, công chúng có vai trò quan trọng trong
việc thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Bởi lẽ
công chúng là đối tượng mà nghệ thuật hướng đến để phục vụ và công
chúng cũng chính là người lựa chọn, thẩm định khắt khe nhất, quyết định
đến giá trị, sức sống của một tác phẩm.
Vì thế để bảo vệ những
tác phẩm chân chính, có giá trị, cũng như lên án, tẩy chay những tác
phẩm có nội dung xấu độc, công chúng cần biết lựa chọn những tác phẩm
hữu ích, có giá trị nhân văn; tỉnh táo, kịp thời nhận diện, phân biệt
được những tác phẩm có nội dung xấu độc để có biện pháp phòng chống. Gia
tăng sức đề kháng văn hóa bằng cách trang bị những tri thức, kỹ năng
cần thiết khi tương tác, lựa chọn thông tin trên mạng xã hội, internet.
Bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái thiện, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để
những giá trị nhân văn của nghệ thuật được lan tỏa./.
TS. NGUYỄN HUY PHÒNG (nhandan.vn)