Năm 2015, công tác phòng, chống HIV/AIDS và chương trình “Điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” ở tỉnh Lai Châu đã thu được những kết quả rất tích cực...
Số người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone đạt 115% chỉ tiêu kế hoạch được giao, tỷ lệ người bị lây nhiễm HIV trong toàn tỉnh giảm 14,8% so với năm 2014. Kết quả đó góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những con số ấn tượng
Lai Châu là tỉnh nghèo và khó khăn nhất cả nước, có đường biên giới Việt-Trung dài hơn 260km, giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; số lượng người nghiện ma túy đông nên nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu, tính đến cuối năm 2015, số bệnh nhân nhiễm HIV còn sống, quản lý được là 1.815 người; 100% số huyện, thành phố và hơn 86% số xã, phường, thị trấn của tỉnh có người bị nhiễm HIV/AIDS.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu Lê Thị Mai cho biết: Sau nhiều nỗ lực của địa phương cũng như thành công trong công tác tuyên truyền, mức độ lây nhiễm HIV trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh giảm hẳn. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh phát hiện thêm 264 trường hợp bị nhiễm HIV, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện nay, tỉnh đang triển khai kế hoạch cấp phát bơm kim tiêm sạch tại 45 xã, phường, thị trấn, đồng thời mở rộng các cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc điều trị bằng Methadone. Toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 23 điểm cấp thuốc Methadone, số người được điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone là 1.962 người, đạt 115% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao là 1.700 người.
Ghi nhận tại Trạm y tế xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ-một trong 23 điểm cấp phát thuốc Methadone trên toàn tỉnh-cho thấy, hầu hết bệnh nhân đến nghe tư vấn cách phòng, chống HIV/AIDS và điều trị bằng thuốc Methadone đều chấp hành tốt quy định giờ giấc uống thuốc cũng như tiếp thu tư vấn, khuyến cáo của các cán bộ, y sĩ, bác sĩ. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ thường xuyên tư vấn cho bệnh nhân biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS một cách dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Phương châm kiên trì, mềm dẻo, kết hợp cùng sự quan tâm của cả gia đình và xã hội khiến bệnh nhân bị nhiễm HIV rất yên tâm khi điều trị.
Y sĩ Nguyễn Văn Hồng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sin Suối Hồ cho biết: “Chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai tại xã Sin Suối Hồ từ tháng 9-2014. Ban đầu chỉ có 6 bệnh nhân đến điều trị, đến nay lên tới 64 bệnh nhân, trong đó có 60 bệnh nhân đạt liều duy trì. Sin Suối Hồ là xã trên địa bàn huyện có tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị Methadone cao nhất, là địa phương hoàn thành chỉ tiêu so với kế hoạch được giao trước thời hạn”.
Bớt khổ nhờ Methadone
Trong cái rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ xuống 4 độ C, sương mù phủ kín lối đi, vậy mà vợ chồng anh Sùng A Pá và chị Thảo Thị Dua-người dân tộc Mông sống tại bản Sân Bay, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ-vẫn đến trạm y tế xã từ rất sớm để xếp hàng chờ uống thuốc Methadone. Nói chuyện với chúng tôi, anh chị cho biết, đã hơn một năm nay, hằng ngày, hai người đều đi xe gắn máy hơn 5km đường đèo để tới điểm uống thuốc cai nghiện.
Gia đình anh chị có 5 người con, chồng nghiện thuốc phiện từ năm 2001. Anh Pá kể: Hồi đó, anh đi buôn gỗ, thấy mấy người bạn cùng đi hút thuốc phiện, anh cũng hút thử rồi nhiều lần thành nghiện. Năm 2013, chị Dua bị đau nhức hết người, liền đem thuốc phiện của chồng ra hút để giảm đau, rồi cũng bị nghiện. Chị bảo: “Những năm trước, người dân ở đây cứ thấy đau người là hút thuốc phiện nên nhiều người bị nghiện lắm”. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh chị tiêu tốn từ 200.000 đến 300.000 đồng để mua thuốc phiện, vì thế kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, đồ đạc trong nhà cũng không còn gì đáng giá để bán. Để có tiền hút thuốc phiện và trang trải cuộc sống, cả 5 người con của anh chị phải bỏ học đi làm thuê. Cháu Sùng Thị Ni, 12 tuổi, là con thứ tư của anh chị, bỏ học từ năm lớp 4 để đi giúp việc cho một gia đình ở huyện với thù lao 1 triệu đồng/tháng.
Từ khi có các cán bộ, y sĩ, bác sĩ của xã đến tận nhà khuyên bảo và hướng dẫn, vợ chồng anh Sùng A Pá quyết tâm cai nghiện. Nhờ không phải lệ thuộc thuốc phiện, hiện kinh tế gia đình anh chị cũng đã khá hơn. Cháu Sùng Thị Ni không còn phải đi làm thuê nữa, mà tiếp tục được đến trường.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Nguyễn Công Huấn khẳng định: Công tác phòng, chống HIV/AIDS và điều trị người nghiện ma túy bằng thuốc Methadone của tỉnh Lai Châu trong năm 2015 đã đạt được thành công đáng kể. Chính vì thế, chương trình nhận được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể của cả tỉnh, huyện, thành phố. Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến bệnh nhân và gia đình về lợi ích khi tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với việc quản lý chặt chẽ người tham gia điều trị tại các địa phương trong tỉnh, cũng cần sự phối hợp của các ban, ngành chức năng hỗ trợ tạo nguồn vốn để bệnh nhân sau khi cai nghiện trở về gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, có việc làm và thu nhập ổn định, tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững./.
La Duy (QĐND)