Xã hội hóa và kết hợp công - tư trong khám
chữa bệnh đã được ngành y tế tích cực triển khai giúp tăng cường hiệu
quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người
dân. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực từ xã hội cho đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng trong bệnh viện công, bước đầu đã mang lại hiệu quả
tích cực, giúp hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm nhiều cơ sở y tế.
Tăng cường đầu tư cho y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trong những năm qua, ngành y tế đã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA và các nguồn vốn khác. Từ năm 2008 đến nay, đã có 610/760 bệnh viện từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và từng bước hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ bệnh nhân. Đối với tuyến Trung ương, rất nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hiệu quả như: Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, 2, Bệnh viện Việt Nam - Cu ba (Đồng Hới, Quảng Bình), Trung tâm ung bướu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh)... Hiện nay, Chính phủ tiếp tục cho đầu tư 5 bệnh viện hiện đại tuyến trung ương và tuyến cuối tại khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào năm 2016.
Theo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế): Việc vay vốn, hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong bệnh viện công bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm nhiều cơ sở y tế. Bên cạnh đó, việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển kỹ thuật; trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống CT-Scanner các loại (có cả loại 256, 128 và 64 lớp cắt), hệ thống cộng hưởng từ (MRI), máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện giúp trình độ kỹ thuật về y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được bảo hiểm y tế thanh toán.
Nhiều khó khăn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, nhiều nỗ lực cố gắng của ngành y tế và toàn xã hội nhưng cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, hiện mới đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân mà theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế chỉ tiêu này cần đạt là 39/10 vạn dân. Hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường bệnh cao do chưa được mở rộng từ năm 1975 đến nay, trong khi dân số và nhu cầu người dân ngày càng tăng làm cho tình trạng bệnh nhân nằm ghép là tất yếu và phổ biến ở nhiều bệnh viện. Phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng, miền, tỷ trọng giường bệnh tuyến cuối thấp, số giường bệnh nhiều chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi… còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các bệnh viện đã và đang được cải thiện nhưng chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, xử lý chất thải y tế. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện chưa được đầu tư, chưa thực sự quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống chưa đồng bộ, thiếu các cơ sở chăm sóc, khám, chữa bệnh chuyên khoa, bệnh cho người cao tuổi. Đặc biệt, có đơn vị chưa sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết; có đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục xã hội hóa theo các văn bản hướng dẫn; chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ… Nhiều đơn vị chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư do vay vốn thì trách nhiệm, rủi ro cao.
Đặc biệt, việc hợp tác đầu tư, kết hợp công - tư trong đầu tư còn hạn chế; còn có vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế, cấp phép hoạt động, việc điều hành, cử cán bộ từ khu vực công sang cơ sở hợp tác công - tư. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất), về vốn (được vay Ngân hàng phát triển Việt Nam), về thuế (miễn thuế một số năm đầu, sau áp dụng mức 10%) nhưng thực tế việc phát triển các cơ sở y tế tư nhân lớn ở các thành phố vẫn khó khăn, nhất là đất sạch.
Hoàn chỉnh hệ thống y tế
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Đầu tư hoàn chỉnh các trạm y tế xã theo mục tiêu Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội đã nêu rõ: "Giai đoạn 2016-2020 bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế". Hiện nay mới có gần 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, cần đầu tư xây dựng mới 1.192 trạm y tế xã gồm 119 xã chưa có trạm vùng Tây bắc, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, 766 xã đã có trạm nhưng hư hỏng của các tỉnh miền núi phía Bắc, 231 trạm vùng 3 của các tỉnh khu vực miền Trung, 76 trạm của các tỉnh Tây nguyên. Ngoài ra, còn 1.239 trạm của các tỉnh, thành phố bị dột nát, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần xây dựng lại ở các xã thuộc vùng khác; đồng thời sửa chữa, bổ sung trang thiết bị cho các trạm y tế xã còn lại; xây dựng một số trung tâm xét nghiệm cho cụm trạm y tế xã.
Ông Nam Liên nhấn mạnh: Trong giai đoạn tới, cần tập trung đầu tư cho các huyện chưa có bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện; đầu tư để hoàn thành hệ thống y tế dự phòng theo quy hoạch tại tuyến tỉnh (đầu tư các trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch của tỉnh (CDC tỉnh), một số trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm khu vực. Ngành y tế cần cải tạo, nâng cấp, mở rộng một số bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi, khó khăn để tăng giường bệnh cho các chuyên khoa sản nhi, lão khoa; ưu tiên đầu tư, phát triển các chuyên khoa không lây nhiễm, các cơ sở y tế và các chuyên khoa liên quan đến chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục đầu tư một số bệnh viện y học cổ truyền; cải tạo phòng mổ, phòng đặt máy, buồng bệnh, mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện thuộc hệ thống bệnh viện vệ tinh để thực hiện các kỹ thuật do các bệnh viện hạt nhân chuyển giao.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần 39 giường bệnh/1 vạn dân. Như vậy, đến năm 2020 cả nước phải tăng thêm khoảng 159.000 giường. Để đạt được mục tiêu này, ngành y tế đã có nhiều giải pháp như: Vay vốn, hợp tác đầu tư, kết hợp công tư theo Nghị quyết 93 của Chính phủ để thành lập các cơ sở, trung tâm khám, chữa bệnh mới; đề nghị Chính phủ, Quốc hội, HĐND, UBND các tỉnh tăng đầu tư cho y tế từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 với mức cao hơn mức 6,7 lần của năm 2015, tiếp tục bố trí vốn trái phiếu chính phủ cho y tế, các địa phương bố trí tối thiểu 40% nguồn xổ số kiến thiết cho y tế. Nguồn vốn ODA sẽ dành các khoản vốn ưu đãi nhất cho y tế cơ sở do ngân sách cấp phát. Đối với các nguồn vốn kém ưu đãi hơn, đề nghị được vay và áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ hoặc một phần để xây dựng bệnh viện.../.
Thu Phương/TTXVN