Nếu không có gì thay đổi, hôm nay (2/7), Tòa án của Liên hợp quốc xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ (ECCC) sẽ ra lời phán quyết cuối cùng đối với Kaing Guek Eav, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, người nổi tiếng với biệt danh Duch, cựu Giám đốc nhà tù Tuol Sleng (S-21).
Dư luận Campuchia nói chung và những người có lương tri trên thế giới nói riêng đều cho rằng, dù phải đối mặt với bất cứ bản án nào thì Duch cũng muốn cúi xin các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ (1975-1979) trước đây tha thứ.
Bản thân Duch đã nhiều lần thừa nhận vai trò "sát nhân" của mình khi còn là Giám đốc nhà tù Tuol Sleng. Duch từng thú nhận đã giết hại hơn 12.000 người tại "lò sát sinh" S-21.
Theo tài liệu của ECCC, Duch bị xét xử từ ngày 30/3 với những cáo trạng như phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, sát nhân, tra tấn và nếu bị tuyên phạt là có tội, Duch có thể lãnh án tù chung thân. Sau khi khép lại hồ sơ của Duch, ECCC sẽ tiếp tục khai đình xét xử đối với những cựu lãnh đạo Khmer Đỏ trước đây như Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith và Khieu Samphan.
Theo lời khai trước toà của họa sĩ Vann Nath, người từng bị giam tại trại tù Tuol Sleng (29/6), mọi người càng hiểu rõ hơn tội ác của Kaing Guek Eav, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ. Họa sĩ Vann Nath cho biết, đã chờ đợi phiên tòa này 30 năm nay và tình trạng vô nhân đạo cùng những cảnh hãi hùng trước đây - đói khát trong nhà tù khiến tù nhân phải ăn côn trùng, thậm chí có lúc ông phải nghĩ tới việc ăn thịt người để tồn tại vẫn hiện rõ trong tâm trí.
Ông Vann Nath cho biết, bị bắt từ năm 1977 nhưng không hiểu đã phạm tội gì và đã nhiều lần muốn tự sát trước thực trạng tồi tệ tại nhà tù do Kaing Guek Eav làm Giám đốc. Dư luận quan tâm tới ông Vann Nath bởi "phạm nhân" này là một trong những họa sĩ nổi tiếng hàng đầu của Campuchia với những bức tranh hồi ức về nhà tù Tuol Sleng, cũng như lãnh đạo Khmer Đỏ trước đây...
Trong bản khai trước toà hôm 17/6, Duch thừa nhận, chỉ "tới thăm cánh đồng chết" ở Choeung Ek có một lần. Duch nhận được lệnh " tới thăm cánh đồng chết" sau khi người ta chuyển toàn bộ các vụ hành quyết ra khỏi Tuol Sleng vì lý do vệ sinh.
Trước đó (8/4), Duch đã thừa nhận việc tuyển mộ những "đao phủ thực thi các bản án tử hình". Đại đa số họ đều là nông dân trẻ và chỉ biết việc mình làm vào phút cuối. Duch cho biết, những người này ít học, dễ bảo, cũng như dễ "thanh loại" sau khi đã đạt được mục đích. Duch khẳng định, trong số những người bị giết, có 4 người quốc tịch Mỹ và Anh, và những người này đã bị hỏa táng để không thể nhận dạng.
Duch cũng thừa nhận (10/6), đã "đánh đến chết" tới 345 người Việt Nam sau khi họ bị giam tại nhà tù Tuol Sleng. Tuy nhiên, Duch cho rằng, hắn không rõ những người này đã bị bắt như thế nào. Ngoài ra, Duch cũng thừa nhận (8/6) đã thảm sát trẻ em. Duch nhận trách nhiệm trong vụ thủ tiêu con em các tù nhân từng bị giam giữ tại nhà tù Tuol Sleng nhằm tránh bị trả thù sau này.
Phiên toà xét xử Duch đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận trong và ngoài khu vực - khoảng 300 phóng viên trong và ngoài Campuchia tới đưa tin về phiên tòa. Mặc dù nắm quyền chưa đầy 4 năm (từ 17/4/1975 đến 7/1/1979), nhưng Khmer Đỏ đã thực hiện một chế độ không trường học, bệnh viện, nhà máy, ngân hàng, tiền tệ, tôn giáo, tài sản tư và đã gây nên cái chết của khoảng 2 triệu người...
Sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ (1979), Duch đã lẩn trốn trong một căn cứ của Khmer Đỏ ở phía Tây Bắc Campuchia. Nhưng sau 20 năm lẩn trốn (1979-1999), cuối cùng Duch đã bị bắt và ngày 31/7/2007, Toà án xét xử tội ác diệt chủng ở Campuchia đã khai đình và xét xử ông ta tội chống lại loài người... Tuy nhiên, Duch luôn khẳng định, mọi việc ông ta làm đều là "thực thi mệnh lệnh trực tiếp của Pol Pot". Cho đến nay, Duch là nghi can đầu tiên bị ECCC buộc tội.
Thủ tướng Hunsen từng tuyên bố "Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết!". Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Van Phon từng phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/2009) rằng: "Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Quân đội tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả tại đất nước Campuchia, sẵn sàng chiến đấu anh dũng, hy sinh xương máu của mình để giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và giúp đỡ bảo vệ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia"./.
(Theo: CAND)