Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 6/4/2014 8:37'(GMT+7)

Lồng ghép hiệu quả các nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo


Tham gia ý kiến xây dựng Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, các đại biểu cho rằng sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều Bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp nên dẫn đến sự chồng chéo. Trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách ban hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực, có chính sách ban hành theo vùng địa lý… 
Một nguyên nhân khác được nhận định đó là số lượng chính sách ban hành nhiều, khó kiểm soát. Một đối tượng chịu tác động chi phối cùng lúc bởi nhiều chính sách. Có chính sách hỗ trợ cùng đối tượng hộ nghèo nhưng do ban hành ở các giai đoạn khác nhau, mức hỗ trợ khác nhau gây sự so bì, thắc mắc. Cùng một đối tượng là hộ nghèo trên cùng một địa bàn được hưởng cùng một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng các mức hỗ trợ khác nhau do thuộc đối tượng thụ hưởng từ các chương trình khác nhau như Chương trình 30a, Chương trình 135… 
Nhiều ý kiến cho rằng sự chồng chéo về chính sách đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đơn cử như việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn được bố trí kinh phí từ Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình nông thôn mới nhưng không lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình này do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư khác nhau. Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, địa phương, cơ sở không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu, dẫn đến tình trạng dở dang thi công do thiếu vốn. Phần lớn các chính sách do nhiều cơ quan thực hiện nhưng thiếu sự phối kết hợp đã làm giảm hiệu quả của chính sách và gây lãng phí nguồn lực của nhà nước như việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế cho cùng một đối tượng. Nhiều chính sách chưa được giải quyết dứt điểm theo mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực và thực hiện còn nhiều vướng mắc như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số… 
Để khắc phục cơ bản tình trạng này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất các chính sách giảm nghèo cần được thiết kế mang tính hệ thống, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hình thành duy nhất một Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo chung để ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Trong công tác lập và giao kế hoạch cần đổi mới sang lập và giao kế hoạch trung hạn, làm cơ sở để phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở chủ động bố trí nguồn lực cho các nhu cầu ưu tiên của địa phương. Tăng cường vai trò của cộng đồng, mở rộng sự tham gia, giám sát của người dân. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế lồng ghép và hướng dẫn các địa phương lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn cho mục tiêu giảm nghèo. Trong tổ chức thực hiện nên phân công cho một cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giữ vai trò đầu mối chủ trì, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo tính hệ thống, tránh chồng chéo. Đồng thời thường xuyên có sự theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên để đảm bảo chương trình, chính sách thực hiện theo đúng mục tiêu, định hướng đã dự kiến… 
Đối với các chính sách cụ thể, Bộ Lao động- Thương bình và Xã hội đề nghị về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành thành chính sách cho vay tín dụng ưu đãi lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm. Xây dựng hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình, quy định mục đích và nội dung vay vốn để hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn. 
Chính sách hỗ trợ giáo dục- đào tạo đối với học sinh nghèo, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng tích hợp các chính sách giảm nghèo hiện hành thành văn bản chính sách mang hệ thống, dựa trên nhu cầu tối thiểu thiết yếu mà đối tượng người nghèo cần phải có để tiếp cận được dịch vụ giáo dục- đào tạo. Trước mắt tích hợp các chính sách cấp học bổng và cấp gạo cho học sinh bán trú, học sinh dân tộc thiểu số… quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 85/2012/QĐ-TTg ngày 21/12/2010, số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 và số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 theo hướng nhất quán về đối tượng được hưởng và gộp các chính sách lại. 
Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát lại các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện hành. Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất chung đối với hộ nghèo, trong đó có các mức hỗ trợ ưu tiên cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất tích hợp lại chính sách trợ giúp pháp lý chung đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách ưu tiên đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo; mở rộng đối tượng thụ thưởng là người nghèo thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đối với chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các chính sách hiện hành đề xuất hướng tích hợp chính sách chung đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ít người…/. 

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất