Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 2/6/2019 9:32'(GMT+7)

Lòng tin cho hòa bình và phồn vinh

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham dự phiên toàn thể thứ nhất Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham dự phiên toàn thể thứ nhất Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ cần nhìn vào sự có mặt của đông đảo chính khách, nhà ngoại giao, giới quân sự và học giả uy tín đã có thể thấy được sức hút ngày càng tăng của các lần Đối thoại Shangri-La. Điều đó còn thể hiện sự quan tâm, nỗ lực cùng nhau gìn giữ hòa bình và an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong một thế giới đầy biến động, bởi Đối thoại Shangri-La chính là diễn đàn để các nước minh bạch chính sách quốc phòng, an ninh của mình.

Đối thoại Shangri-La cùng với các cơ chế hợp tác khu vực, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương, xây dựng lòng tin và thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa. Đây chính là một trong những nhân tố quan trọng để giảm nguy cơ xung đột, góp phần bảo đảm khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hơn ba thập niên qua về cơ bản là hòa bình và ổn định.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh chung.

Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.  

Trên tinh thần đó, những năm qua, Việt Nam đã ủng hộ, tham gia và đóng góp tích cực vào nhiều diễn đàn đa phương về quân sự, quốc phòng, trong đó có Đối thoại Shangri-La ngay từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002. Trong các lần tham dự, Việt Nam đã tích cực tham gia với các chủ đề, như: “Hình thức hợp tác an ninh: Xây dựng lòng tin, quan hệ đối tác, liên minh”; "Thúc đẩy ngoại giao quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; “Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực”; “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”; “Thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; “Quản lý những căng thẳng chiến lược”; “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi ở châu Á”.

Đặc biệt, năm 2013, khi được mời phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chuyển tới cộng đồng quốc tế thông điệp về “xây dựng lòng tin chiến lược”, trong đó nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra những nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”. Thông điệp ấy đã nhận được sự quan tâm, đồng tình và đánh giá cao của dư luận quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn còn nhiều căng thẳng cũng như tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, chiến tranh.

Nhìn lại 6 năm kể từ khi thông điệp “xây dựng lòng tin chiến lược” được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, không khó để nhận thấy hợp tác, liên kết đa tầng nấc ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng, những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó phải kể đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố, nguy cơ hạt nhân… đã được dự báo, đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á-Thái Bình Dương đầy tiềm năng và hứa hẹn trước những nguy cơ có thực và cận kề. 

Nếu như hòa bình và thịnh vượng là nguyện vọng tha thiết, là “mẫu số chung” giữa các quốc gia, tại sao các thách thức đối với an ninh khu vực vẫn đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng? Cho dù nguyên nhân có thể là vì xung đột lợi ích hay khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ý thức hệ, nhưng không thể phủ nhận rằng chung quy vẫn là do sự thiếu vắng lòng tin.

Trong bối cảnh đó, xây dựng lòng tin đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết để vun đắp cho hòa bình, ổn định và phát triển, đáp ứng nguyện vọng của hơn 4 tỷ người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri-La, trong đó Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực, sẽ góp phần xây dựng sự tin cậy này./.

Hoàng Vũ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất