Thứ Sáu, 27/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 21/10/2010 20:56'(GMT+7)

Lũ rút đến đâu dọn vệ sinh môi trường đến đó

Các cán bộ làm công tác môi trường và y tế dự phòng đang khẩn trương giúp người dân khử trùng nước sinh hoạt sau mưa lũ

Các cán bộ làm công tác môi trường và y tế dự phòng đang khẩn trương giúp người dân khử trùng nước sinh hoạt sau mưa lũ

Tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, môi trường sinh hoạt và nước sạch sau mưa lũ bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng trăm nghìn giếng nước của các hộ dân chìm sâu, bị bùn, cát vùi lấp.

Theo khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, tính đến thời điểm này, tại Quảng Bình có khoảng 108.000 giếng nước, Thừa Thiên Huế có hơn 400 giếng nước của nhân dân bị ngập, cần tẩy rửa bằng hoá chất. Gần 70.000 người dân của Hà Tĩnh cũng đang thiếu nước sạch.

Nước sạch tại các vùng nông thôn của Quảng Trị cũng đặc biệt khó khăn. Các công trình vệ sinh bị hư hại nặng, rác thải và xác động vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đợt mưa lũ xảy ra trong giai đoạn giao mùa nên dễ bùng phát dịch bệnh. Một số địa phương đã xuất hiện dịch đau mắt đỏ.

Hiện tại, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả mưa, lũ và ứng cứu giúp nhân dân vùng lũ, không để dân thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thuốc điều trị và ngăn dịch bệnh xảy ra.

Việc khắc phục hậu quả khi lũ rút được thực hiện theo phương châm nước rút đến đâu dọn vệ sinh môi trường, khử trùng nước sinh hoạt đến đó.

Để phòng chống ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân trong và sau mưa lũ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh đã hướng dẫn các địa phương sửa chữa giếng nước, tiến hành để lắng lọc bằng thủ công nhằm giảm thiểu độ đục, sau đó dùng Cloramin B theo hướng dẫn của ngành Y tế để khử trùng nước sinh hoạt trước khi sử dụng.

Ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ngành Y tế phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, các loại ruồi muỗi để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Hà Tĩnh- địa phương thực hiện tốt việc khử trùng nước sinh hoạt cho người đã kịp thời chỉ đạo ngành Y tế và Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cấp 4.000 gói Oresol, 80.000 viên Aquatab, 105.000 viên kháng sinh Hazipo, 40.000 viên cloraminB và 210 kg cloraminB bột,… để xử lý nước sinh hoạt.

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Hoàng Minh Đạo cho biết, Cục đã có công văn chỉ đạo việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại các tỉnh bị lũ lụt.

Cục Kiểm soát ô nhiễm cũng chỉ đạo Chi cục bảo vệ môi trường miền Trung – Tây Nguyên, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh bị lũ, lụt, bên cạnh việc tập trung ưu tiên xử lý, khắc phục hiệu quả, thống kê thiệt hại trước mắt, sẽ phải tiến hành phân tích, đánh giá diễn biến lũ, lụt.

Qua đó, phát hiện những điểm khác thường, những yếu kém, bất cập trong các khâu phòng ngừa, ứng cứu, khắc phục hậu quả để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành ở Trung ương và địa phương.

Theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Quỹ hỗ trợ đợt 1 cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường như sau: Quảng Bình 1 tỷ đồng, Hà Tĩnh 500 triệu đồng, Quảng Trị 400 triệu đồng và Thừa Thiên Huế 200 triệu đồng./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất