Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 29/5/2018 15:51'(GMT+7)

Lựa chọn để mạnh mẽ

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Có vẻ chẳng liên quan nhưng kỳ thực khá logic là cái khó của châu Âu một phần lại do chính “Nước Mỹ trên hết” đưa lại. Đơn cử hiện nay châu Âu đang phải chật vật xử lý hậu quả của việc nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Nhóm P5+1 với Iran-một trong những động thái phản ánh rõ nhất phương châm “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Cũng may là trong vụ này, các nước châu Âu đã tỏ ra đồng thuận cao trong việc tiếp tục duy trì thỏa thuận lịch sử này. 

Tuy nhiên, vẫn còn đầy những chia rẽ ở châu Âu khó lòng hàn gắn, cũng bởi “Nước Mỹ trên hết”. Trong khi một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bất đồng với Mỹ về các vấn đề thương mại tự do, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, NATO…, một số nước khác lại ủng hộ quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề nhập cư hay rào chắn biên giới…

Mới đây nhất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu sau khi Italy có chính phủ mới ủng hộ quan điểm chống châu Âu. Chính phủ mới do liên minh các đảng dân túy chống châu Âu ở Italy cam kết từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng trong nước, hủy bỏ các khoản nợ, trục xuất người nhập cư. Đây được cho “gáo nước lạnh” dội thẳng vào EU, đe dọa tới các nỗ lực đoàn kết nội khối.

Không khó để nhận biết chủ nghĩa hoài nghi châu Âu được “truyền nhiệt” mạnh mẽ từ chính sách chỉ chú trọng đến lợi ích dân tộc, phủ nhận vai trò của các liên minh toàn cầu trong quá trình theo đuổi những giá trị và lợi ích chung. Người ta đã được chứng kiến hai “thủ lĩnh” đang chèo lái “con thuyền” châu Âu vượt qua sóng gió là Thủ tướng Đức Angiela Merken và Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon phải vất vả ra sao để đương đầu với các thế lực có tư tưởng hoài nghi và chống đối EU.

EU đã nhận ra thực tế ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ khi EU ra đời không ủng hộ sự hội nhập sâu hơn nữa của châu Âu. Châu Âu cũng nhận thức rõ ràng chính quyền của ông Donald Trump với các chính sách kinh tế và chính trị theo chủ nghĩa dân tộc là một trong những thách thức lớn nhất đối với vai trò của châu Âu trong các vấn đề thế giới. Trong một phát biểu gần đây, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans ám chỉ rằng “đây là chính quyền đầu tiên nghĩ rằng lợi ích của nước Mỹ là phải chia rẽ châu Âu hơn là một khối thống nhất và đó thực sự là thách thức”.

Ở vào tình thế đó, châu Âu không thể không lo ngại đang bị biến thành “sân chơi” cho người khác và mất dần tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu. Đang từ vai trò là đối tác bình đẳng của Mỹ trong các thỏa thuận toàn cầu như Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu hay Thỏa thuận hạt nhân Iran như đã đề cập, châu Âu bỗng trở nên bị động phải “theo sau” thu dọn những “tàn dư” sau những quyết định rút lui gây sốc của chính quyền Mỹ.

Không còn cách nào khác, châu Âu cần phải lựa chọn để trở nên mạnh mẽ hơn, thống nhất và đoàn kết hơn, như lời Phó chủ tịch thứ nhất EC Frans Timmermans đã khẳng định.

Đối với “lục địa già”, đối phó với thách thức lúc này cũng chính là nắm bắt cơ hội để vừa tự bảo vệ các lợi ích của khối, vừa gia tăng vai trò trong bối cảnh nước Mỹ theo đuổi mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”./.

Mỹ Hạnh (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất