Chủ Nhật, 22/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 25/5/2018 16:30'(GMT+7)

Nga phát huy sức mạnh của quyền lực “mềm”

Các công nhân của công ty dầu mỏ Rosneft làm việc tại giếng dầu Tsentralno-Olginskaya của Nga. (Ảnh: RIA Novosti)

Tờ tạp chí hàng đầu của Mỹ Time đánh giá, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa nước này và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), nhiều khả năng sản lượng khai thác dầu của Iran-quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới-sẽ giảm dẫn đến giá “vàng đen” tăng. Trong khi đó, sản lượng dầu thô trên toàn thế giới trong thời gian qua vốn đã giảm do bất ổn tại Venezuela, tình hình mất cân bằng địa chính trị ở Trung Đông và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác.

Cách đây một năm, giá dầu Brent dao động trong khoảng 46-51USD/thùng. Song trong ngày 17-5 vừa qua, mức giá này đã lần đầu tiên phá ngưỡng 80USD/thùng kể từ tháng 11-2014, do lo ngại về nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu vẫn mạnh. Trong vòng 2 tháng gần đây, giá dầu thô tăng 10USD. Với thực tế Nga sản xuất gần 11 triệu thùng/ngày thì điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày Moscow thu về thêm 110 triệu USD.

Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định áp dụng biện pháp đa dạng thị trường cho xuất khẩu dầu thô của Nga. Trong tháng 1 vừa qua, Nga đã mở đường ống dẫn dầu thứ hai đến Trung Quốc với kỳ vọng tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh lên 30 triệu tấn.

Nga nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu dầu đứng đầu thế giới, với nguồn thu từ dầu thô chiếm đến 40% ngân sách nước này. Bởi vậy theo nhận định của học giả David A.Andelman tại trường luật Fordham (Mỹ), trong bối cảnh nền kinh tế Nga chịu nhiều tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã tạo điều kiện cho Nga chủ động xử lý vấn đề giá dầu vốn được coi là xương sống của nền kinh tế nước này.

OPEC dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng 6 tới tại Vienna (Áo) để cùng nhau thiết lập chính sách về dầu mỏ với các nước sản xuất dầu không thuộc khối này đang tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với OPEC. Theo một số nguồn tin, trong chương trình nghị sự của cuộc họp này, các bên tham gia sẽ thảo luận về biện pháp đối phó với giá dầu tăng. Theo trang mạng Bloomberg, Moscow nhiều khả năng sẽ sát cánh với đối tác Saudi Arabia và tiếp tục hạn chế sản lượng dầu. Đối với Moscow, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt kinh tế. Việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã dẫn tới những biện pháp trừng phạt chống Nga, phủ bóng đen lên nền kinh tế nước này và gây khó khăn không nhỏ cho chiến lược toàn cầu của Moscow. Đối phó tốt những mối đe dọa này có nghĩa là tiếp tục thuyết phục thế giới rằng Moscow sẽ không bị loại khỏi các vấn đề toàn cầu quan trọng.

Tương tự như chiến thắng chiến lược mà Nga đã giành được trong cuộc chiến tại Syria, thỏa thuận với OPEC mang lại một cơ hội để Nga giữ vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế. Nỗ lực thiết lập các liên minh mới ở Trung Đông, cũng như tầm quan trọng của giá dầu mỏ đối với nền kinh tế Nga, có lẽ sẽ góp phần khiến Moscow tiếp tục tích cực trong việc cắt giảm sản lượng do OPEC dẫn đầu.

Trong bối cảnh Mỹ liên tiếp rút khỏi nhiều hiệp định quốc tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, việc Nga chia sẻ gánh nặng cùng với những thành viên OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, đã gửi đi một thông điệp rất rõ rằng Mỹ đang dần để vuột mất tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực vùng Vịnh cũng như toàn thế giới. Điều này cũng chứng minh rằng Nga đang tích cực phát huy sức mạnh của quyền lực “mềm”, thay vì dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế vốn có./.

Hà Lan (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất