Chủ Nhật, 22/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 7/9/2012 23:0'(GMT+7)

Luận chứng khoa học mở rộng VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

 
Tại hội nghị, đại diện của Viện Điều tra quy hoạch rừng, đơn vị tư vấn đã nêu lên các luận chứng khoa học mở rộng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cũng như giá trị tự nhiên mang tính toàn cầu, là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi liền khối được coi là lớn nhất thế giới, nằm ở giữa biên giới Việt-Lào.

Năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định 85/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc phê duyệt quy hoạch ba loại rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010; theo đó Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được mở rộng với tổng diện tích là 123.326 ha, trong đó diện tích mở rộng là 30.570,02 ha nằm trên địa bàn 2 xã Hóa Sơn và Thượng Hóa (huyện Minh Hóa).

Với diện tích trên, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành khu bảo tồn lớn nhất trong toàn quốc. Việc mở rộng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tạo cơ hội để Vườn đáp ứng các tiêu chí khác của Di sản thiên nhiên thế giới như: tiêu chí đa dạng sinh học, tiêu chí quá trình sinh thái khi có đầy đủ các dẫn liệu khoa học kèm theo.

Từ năm 2010 đến nay, kết quả của các cuộc điều tra cho thấy, tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 598 loài thực vật bậc cao với 31 loài nguy cấp trong sách đỏ, 24 loài đặc hữu của Việt Nam được phát hiện.

Nhóm động vật đã phát hiện 159 loài chim với 11 loài quý hiếm; 21 loài thú ăn thịt nhỏ với 8 loài quý hiếm; 35 loài thú gậm nhấm, 5 loài thú ăn sâu bọ; 12 loài linh trưởng toàn bộ là quý hiếm; 25 loài dơi; 107 loài bò sát và 54 loài ếch nhái; 111 loài cá; 58 loài động vật không xương sống trong hang động. Có 2 chi mới và nhiều loài mới đã phát hiện phân bố trong khu vực. Đây là cơ sở khoa học quan trọng cho việc xác định phạm vi ranh giới mở rộng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học này.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, phải đảm bảo một cách đầy đủ, đồng bộ và thống nhất giữa các luận chứng; đồng ý với luận chứng vùng đệm gồm có 13 xã, nhưng cần làm rõ cơ sở đưa các xã vào vùng đệm; làm rõ các ảnh hưởng liên quan tới người dân, việc lấy đi diện tích núi đá vôi thuộc địa bàn dân cư sinh sống thì sinh kế của người dân sẽ như thế nào. Đặc biệt, cần phải xem dân là gốc trong vấn đề bảo vệ rừng./.

Nguyễn Đức Thọ (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất