Thứ Hai, 30/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 25/6/2015 20:33'(GMT+7)

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp giúp tăng quyền tự do kinh doanh

(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tại Hội nghị triển khai “Những điểm mới trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/6.

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư 2014 đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; trong đó bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước; đơn giản h​óa hồ sơ, trình tự, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, Luật Đầu tư 2014 đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đầu tư, như bổ sung quy định về bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án của nhà đầu tư dưới hình thức ký quỹ; giám định chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư; hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng hoạt động đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên cơ sở rà soát 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật Đầu tư mới đã quy định cụ thể danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh; đặc biệt quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật đã cải cách quy trình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục đầu tư. Luật cũng quy định rõ, chỉ các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% mới phải áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến những quy định mới trong Luật Doanh nghiệp 2014 sắp có hiệu lực, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban phụ trách Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh, Luật mới ban hành đã t hể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, giảm rủi ro và tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ có những thông tin cơ bản như mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật.

Thông tin về ngành nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự khai và lưu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động tiến hành hoạt động kinh doanh mới khi có đủ điều kiện và sau đó, thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để lưu vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường, Luật Doanh nghiệp mới còn có nhiều cải cách quan trọng; trong đó bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp hay thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa không quá 3 ngày; kết hợp đồng thời các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội; thay đổi phương thức quản lý và bãi bỏ thủ tục về đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp...

Ngoài ra, để giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của người đại diện phần vốn nhà nước và người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước theo thông lệ quốc tế; sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn. Luật cũng xác định rõ tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp được cụ thể hóa trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo phương thức nhà nước có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng các bên có liên quan như cổ đông, bạn hàng, khách hàng... cũng phải tích cực, chủ động tham gia vào giám sát doanh nghiệp vì lợi ích của chính mình.

Nhà nước tạo thuận lợi để các bên có liên quan tham gia giám sát doanh nghiệp thông qua việc cung cấp nhanh chóng, kịp thời các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp khi các bên có liên quan yêu cầu./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất