Sau 10 năm, Luật Dược đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền
của người dân được tiếp cận và sử dụng thuốc có chất lượng, giá hợp lý.
Việc ban hành Luật Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược Việt
Nam phát triển, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực
Tiến sỹ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho
biết sau 10 năm triển khai Luật Dược, hơn 100 văn bản qui phạm phát
luật về dược được ban hành đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý, điều
hành về dược.
Từ chỗ chỉ có khoảng 50 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất
thuốc theo ASEAN (GMP ASEAN), đến nay Việt Nam có 142 cơ sở (với 154 nhà
máy) đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO-GMP). Trong đó có một số cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt
sản xuất thuốc theo Liên minh châu Âu (EU-GMP) và theo Hệ thống hợp tác
thanh tra dược phẩm (GMP-PIC/s).
Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng
tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân. Năm 2005, thuốc sản xuất trong
nước có hơn 300 hoạt chất. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chứa
khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả
các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép... đáp ứng được
234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam. Sản xuất
thuốc trong nước đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân trên 15% trong khi tăng
trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 6%.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực có nền công
nghiệp vắcxin. Vắcxin do Việt Nam sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu sử
dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng 12 bệnh. Nhiều nhóm
thuốc và vắcxin của Việt Nam được các nước trong khu vực và thế giới
đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hệ thống quản lý quốc gia về
vắcxin của Việt Nam là một trong 37 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới
công nhận tiêu chuẩn khắt khe về quản lý vắcxin.
Qua 10 năm thực hiện Luật Dược, thực tế đã chứng minh việc quản lý giá
thuốc của cơ quan liên ngành có hiệu quả; thuốc được cung ứng đầy đủ,
chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân.
Thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn với chỉ số giá của nhóm hàng
dược phẩm thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung, đứng thứ 9/11 nhóm hàng
trọng yếu.
Ngành dược đã không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp lý,
ảnh hưởng tới công tác phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Các số liệu
khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam ở mức phù hợp so với thế giới và
thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Số liệu khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy giá thuốc generic
tại các cơ sở y tế công lập của Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung quốc tế
và ở trong giới hạn được cho là mức giá phù hợp (từ 1-1,5 lần). Mức
chênh lệch của giá thuốc biệt dược so với giá tham khảo quốc tế tại khu
vực công lập của Việt Nam nằm trong khoảng trung bình so với số liệu
quốc tế.
Kết quả khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan cho thấy giá thuốc
trúng thầu tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần,
giá thuốc thanh toán cho bệnh nhân tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với
tỷ lệ trung bình 2,25 lần.
Đồng thời, 10 năm qua, nhiều chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dược đã
tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước
phát triển. Điển hình là chính sách cải thiện môi trường đầu tư với các
nội dung như cải cách thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính
công cấp tỉnh, huyện, quy định và công khai trình tự, thủ tục, giải
quyết thủ tục hành chính.
Có thể nói, ngành dược thuộc một trong số ít nhóm ngành có thu hút đầu
tư nước ngoài cao, với 36 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) đang hoạt động về dược tại Việt Nam. Trong đó, 31 doanh
nghiệp sản xuất thuốc, 4 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc
và 1 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc.
Ngoài ra còn có nhiều nhà đầu tư, nguồn đầu tư gián tiếp vào ngành dược
(thông qua sàn chứng khoán). Như vậy, ngành dược đang là ngành có tốc độ
phát triển tốt, bền vững, thu hút nhiều nhà đầu tư, cả trong nước và
nước ngoài.
Đảm bảo quyền lợi của người dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết bên cạnh những kết quả đạt
được, quá trình thực hiện Luật Dược 2005 cũng xuất hiện khó khăn, tồn
tại do thực tế nảy sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn
và quá trình hội nhập quốc tế. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã trình
Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược năm 2005.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nêu rõ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự
thảo Luật Dược sửa đổi, Ban soạn thảo đã nghiên cứu và tham khảo hệ
thống pháp luật của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nhóm nước
phát triển có hệ thống quản lý dược tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,
Australia…
Việc tham khảo giúp ban soạn thảo có cái nhìn tổng quan, đa chiều để đưa
ra những đề xuất phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội chung
của đất nước, phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam; đồng thời bảo
đảm Luật Dược sửa đổi có một tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng
phát triển của thế giới, xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực.
Cục trưởng Trương Quốc Cường cho biết về cấu trúc, dự thảo Luật Dược sửa
đổi có sự tăng cả về số lượng Chương và Điều so với Luật Dược 2005. Về
nội dung, ngoài việc kế thừa những qui định đã mang tính ổn định và vẫn
phù hợp với thực tế của xã hội, dự thảo Luật còn bổ sung những nội dung
mới phản ánh những yêu cầu tất yếu phải có sự thay đổi về tư duy và nhận
thức để ngành dược - một ngành vừa có yếu tố kinh tế vừa có yếu tố xã
hội có thể phát triển được, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có sự
hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực.
Một điểm mới đáng chú ý của Luật Dược sửa đổi so với luật hiện hành là
công tác quản lý giá thuốc. Bên cạnh đó, công tác dược lâm sàng, kinh
doanh dược và phát triển nguồn dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ
truyền cũng là những điểm mới trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi). Đây là
những sửa đổi phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi được tiếp
cận và sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, chất lượng, giá hợp lý./.
Theo TTXVN